Cách chăm sóc bón phân hoa mai ngày Tết đơn giản để hoa nở to đều

Hoa mai là biểu tượng không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hoa mai đều nở đúng vào dịp Tết. Để đảm bảo rằng chúng sẽ khoe sắc đúng vào những ngày quan trọng nhất, cần thực hiện các bước chăm sóc đặc biệt. Bài viết sau đây, Hay Độc Lạ sẽ giới thiệu đến bạn cách bón phân hoa mai ngày Tết chi tiết nhất!

1. CHỌN ĐẤT TRỒNG MAI

Để có được những cây hoa mai đẹp, khỏe và nở rực rỡ bày bán ở những phiên chợ hoa Tết tấp nập người qua lại, đất trồng mai là một yếu tố quan trọng. Đất trồng phải là loại đất dùng để trồng cây mai, có tính chất phù hợp, giúp cây mai sinh trưởng tốt và nở hoa vào đúng thời điểm.

Đất trồng mai phải có độ xốp, thoát nước và dinh dưỡng tốt, hợp với đặc điểm sinh lý của cây mai. Đất cũng phải có độ pH thích hợp, không quá chua hay quá kiềm, để không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của mai. Cây mai vàng không khó trồng, bạn có thể trồng mai ở đất thịt, đất cát pha, đất đỏ bazan,…

cách bón phân hoa mai ngày tết - chọn đấtĐất trồng mai phải có độ xốp, thoát nước và dinh dưỡng tốt, hợp với đặc điểm sinh lý của cây mai

Nhưng khi trồng trong chậu, để không bị ngập nước, bạn cần trộn với các loại giá thể tơi xốp giúp thông khí, giữ ẩm và thoát nước tốt như mụn dừa, trấu hun, đá perlite,… Nhưng để tiện lợi hơn bạn có thể dùng các loại đất sạch trồng mai chuyên dụng như đất sạch Tribat chuyên cho cây mai,…

2. KỸ THUẬT BÓN PHÂN NGÀY TẾT

2.1. Cách bón phân cho mai trồng trên vườn, líp

2.1.1. Bón lót

Cho vào hố trồng cây con khoảng 1 đến 2 kg phân trùn quế và 50-100g phân DAP. Trộn đều hai loại phân này trong hố. Phân DAP (diamophos) là loại phân vô cơ hỗn hợp được làm ra bằng cách trộn hai loại phân đơn có chứa đạm (Nitơ) và lân (P2O5). Chỉ nên bón Dap hoặc phân dơi vào tháng 3 và 4, sau đó dùng NPK để bón thúc cây.

Nếu trồng mai trong chậu, cần bón phù hợp với lượng đất trong chậu. Rải phân vào rãnh xung quanh chậu, rãnh rộng khoảng 3 – 5 cm, sau đó lấp đất và tưới nước. Cây con dễ bị bệnh nếu rễ bị gãy, nên cẩn thận không làm gãy rễ cây. Nên thay đất mới cho chậu mỗi năm hoặc thêm phân trùn quế hữu cơ, mỗi lần từ 1 2 kg/chậu.

cách bón phân hoa mai ngày tết - bón lót

Chỉ nên bón Dap hoặc phân dơi vào tháng 3 và 4, sau đó dùng NPK để bón thúc cây

2.1.2. Bón thúc

Trong khoảng 10-15 ngày sau khi gieo hạt, cây sẽ mọc rễ mới. Tưới cho cây phân NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu pha loãng, với liều lượng từ 50-100 gr cho mỗi 10-15 lít nước, cứ 20-30 ngày tưới một lần. Khi cây mai phát triển, tăng dần lượng phân và kéo dài thời gian giữa các lần bón. Phân bón qua đất phù hợp cho cây mai là NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE. Mỗi lần bón, cho khoảng 20-50 gr phân cho mỗi gốc, cách nhau 1-2 tháng.

cách bón phân hoa mai ngày tết - bón thúc

Khi cây mai phát triển, tăng dần lượng phân và kéo dài thời gian giữa các lần bón

Khi cây mai đã có hoa ổn định, mỗi năm cần bổ sung phân hữu cơ từ 5-10 kg cho mỗi gốc. Dùng phân NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE bón khoảng 3-4 lần mỗi năm với liều lượng như trên vào các thời điểm:

  • Sau khi hoa tàn (sau Tết), tỉa cành.
  • Đầu mùa mưa.
  • Giữa mùa mưa.
  • Khoảng 1 đến 1.5 tháng rước khi cây mai nở hoa.

Bón phân theo hốc hoặc rãnh sâu 5-7 cm theo tàn lá của cây, bón vào nơi có nhiều rễ non, sau đó lấp đất lại, giữ độ ẩm vào mùa khô.

2.2. Cách bón phân cho mai trồng trong chậu

Phân bón cho cây mai phụ thuộc vào kích cỡ chậu, mỗi lần bón từ 20-50 gram/chậu. Đối với chậu to, cây mai già có thể bón tới 50-80 gram/chậu. Đào rãnh quanh chậu, sâu 3-5 cm, rắc phân vào rãnh, đắp đất và tưới ẩm. Nếu có thể, mỗi năm đầu mùa mưa nên thay đất mới trong chậu, hoặc thêm phân hữu cơ phân hủy, bón khoảng 2-3 kg/chậu.

cách bón phân hoa mai ngày tết - bón khi trồng chậu

Đối với chậu to, cây mai già có thể bón tới 50-80 gram/chậu

Bên cạnh phân bón qua đất, phân bón lá cũng quan trọng để kích thích cây mai sinh trưởng và phát triển tốt. Chúng bù đắp các chất dinh dưỡng thiếu trong đất, giúp cây ra rễ, ra lá, ra hoa theo mong muốn của người trồng mai. Nhà vườn thường quan tâm đến một số loại phân bón lá như: Phân bón lá Đầu Trâu 501 giúp cây ra chồi ra lá, Đầu Trâu 701 giúp cây ra bông và Đầu Trâu 901 giúp bông chậm tàn và đẹp màu. Cũng như vậy, nhóm sản phẩm phân bón lá Đầu Trâu 005, Đầu Trâu 007, Đầu Trâu 009 cũng có tác dụng cao cho mọi loại mai cảnh.

3. CÁCH CHĂM SÓC BÓN PHÂN MAI VÀNG RA HOA ĐÚNG TẾT

Để đảm bảo mai vàng ra hoa đúng dịp Tết, nhà vườn phải làm đồng thời các việc như Bón phân – Ngừng tưới – Tuốt lá. Từ đầu tháng 10 âm lịch, giảm bón các loại phân chứa nhiều đạm (N). Từ giữa đến cuối tháng 11 âm lịch, ngừng bón phân vào gốc và ít tưới nước để chuẩn bị tuốt lá. Từ 7-10 tháng Chạp, nếu thấy mai khỏe mạnh, có nụ to thời tiết dự báo nắng nóng thì mai sẽ nở sớm, do đó với mai 5 cánh cần tuốt lá vào khoảng 18-20 tháng Chạp.

Nếu cây mai yếu ớt, chỉ có nụ nhỏ, dự báo lạnh lâu thì phải tuốt lá khoảng ngày 13-16 tháng Chạp. Với mai nhiều cánh cần tuốt lá trước so với mai 5 cánh từ 4-6 ngày. Trước khi tuốt lá cần dừng tưới nước 2- 3 ngày để lá cứng lại, gân lá rõ ràng mới tiến hành tuốt, đồng thời tưới lại ướt đẫm và phun phân bón lá Đầu Trâu 701.

cách bón phân hoa mai ngày tết - chăm sóc mai

Nếu thấy mai khỏe mạnh, có nụ to thời tiết dự báo nắng nóng thì mai sẽ nở sớm

Nếu hoa cái đã bung vỏ lụa trước ngày đón ông Táo thì mai sẽ nở trước tết nên cần phải pha 10-20 gam phân urea/10 lít nước để tưới. Để hoa mai nở đẹp vào dịp Tết, cần phải dùng nước mát (có thể thêm đá) để tưới và che bằng lưới để giảm nhiệt độ và ánh sáng mặt trời.

Năm nhuận, mai thường nở trước nên bạn phải bón phân thúc và tưới nước lâu hơn năm thường để cây có thời gian sinh trưởng thêm. Cuối tháng 11, nếu trời mưa bất chợt thì mai sẽ nở nhanh hơn nên bạn phải xem dự báo trước để che gốc cây bằng dàn che hoặc nilon.

4. CHƯNG MAI TRONG NGÀY TẾT

Để chưng mai trong ngày Tết làm sao cho đẹp và lâu tàn hoa, chủ nhà cũng cần nắm các nguyên tắc cơ bản này:

  • Phải để chậu mai nơi mát mẻ, sáng sủa.
  • Không nên để gần quạt hay nơi có gió mạnh vì sẽ làm mai khô nước dẫn đến rụng hoa.
  • Không nên để mai nơi quá tối vì sẽ thiếu ánh sáng cho mai quang hợp, chồi sẽ kéo dài, lá ra nhiều, hoa rụng sớm.

cách bón phân hoa mai ngày tết - chưng mai ngày tết

Không nên để mai nơi quá tối vì sẽ thiếu ánh sáng cho mai quang hợp

Nên tránh để mai gần bóng đèn có công suất cao vì sẽ dư sáng, nhiệt độ lại tăng cũng làm mai nở nhanh, mau tàn. Nếu là cành mai cắm trong bình cần phải thui gốc ngay khi cắt để giữ nhựa và ngăn vi khuẩn gây thối cành. Thay nước sạch nhiều lần hoặc cho mỗi lít nước 1 viên Aspirin để ngăn vi khuẩn gây thối cành, tàn hoa.

5. CHĂM SÓC BÓN PHÂN MAI VÀNG SAU TẾT

Để mai phục hồi sức sống sau dịp Tết, nên trồng mai vào đất trực tiếp. Nếu không thể, thì cần thay khoảng 1/3 đất trong chậu bằng phần đất mới trộn với phân hữu cơ theo tỷ lệ 3:1. Pha loãng 15 đến 25 gam phân NPK 20-20-15 Đầu Trâu với 10 lít nước, tưới đều quanh gốc mai. Sau đó, duy trì việc bón phân, tưới nước và phun phân lá theo chu trình mới như đã hướng dẫn ở trên.

cách bón phân hoa mai ngày tết - chăm sau tết

Để mai phục hồi sức sống sau dịp Tết, nên trồng mai vào đất trực tiếp

Lưu ý: Khi mai có nhiều lá non và thời tiết nắng ấm, cần phun thuốc kết hợp hai hoạt chất Hexaconazole (Anvil) và Fipronil (Regent) ngay sau khi tỉa cành để phòng trừ sâu hại. Tỉa cành là việc làm cần thiết để tạo ra không gian, tán lá cho cây. Cành bị cắt sẽ mọc ra chồi non, chồi non sẽ trở thành cành mới, có chồi ở nách lá – chồi này có khả năng mọc thành cành mới hoặc nụ.

6. LỊCH BÓN PHÂN CHO CÂY MAI VÀNG CHI TIẾT THEO TỪNG THÁNG

Để bón phân sao cho mai ra đúng dịp Tết, nhà vườn có thể chia làm 4 giai đoạn sau đây:

6.1. Giai đoạn phục hồi và tăng trưởng từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch

Sau dịp Tết, bạn nên để chậu mai ở nơi có bóng râm và thông thoáng, tránh ánh nắng gắt làm khô lá. Bạn cũng nên cắt bỏ hoa, trái sớm nhất có thể, chỉ giữ lại một số lá non để cây hô hấp. Khi đến khoảng 15 tháng 1 âm lịch, nếu cây mai khỏe mạnh thì nên cắt bớt 30% các cành nhô ra. Việc này sẽ giúp cây năm sau dài vừa đủ. Sau đó, bạn thực hiện thay đất mới cho cây mai.

Để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển, bạn sử dụng các loại phân hữu cơ như đạm cá, bánh dầu nước,… kết hợp với các loại phân hóa học đạm cao như 30-15-10, 30-10-10,… Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm các loại phân hữu cơ khác như phân trùn quế viên nén, phân bánh dầu, phân gà Nhật,… vào những lần bón sau để tăng hữu cơ, giữ ẩm cho đất.

cách bón phân hoa mai ngày tết - giai đoạn tháng 1 đến tháng 6

Bạn cũng nên cắt bỏ hoa, trái sớm nhất có thể, chỉ giữ lại một số lá non

Khi đến khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch, để tạo điều kiện cho chồi nách thành nụ hoa, bạn cần giảm phân đạm, chỉ dùng một lượng ít để duy trì cân bằng dinh dưỡng cho cây. Để cây mai có nụ đẹp, bạn cần bón phân lân nhiều hơn bằng cách xới nhẹ đất bề mặt rồi bón phân hữu cơ Dynamic lifter, trộn chung với phân lân vi sinh rồi lấp lại đất để đạt hiệu quả cao nhất.

6.2. Giai đoạn hình thành và phát triển nụ hoa từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch

Khi cây không còn sinh trưởng, lá già đi và nụ hoa bắt đầu hình thành, nhưng thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao làm cho nấm mốc, bạn cần kiểm tra chậu cây thường xuyên. Trong giai đoạn này bạn cần giữ cho lá cây xanh tốt, để quá trình quang hợp diễn ra suôn sẻ, nụ hoa phát triển đầy đủ, giúp cây có hoa đẹp vào dịp Tết.

cách bón phân hoa mai ngày tết - giai đoạn tháng 7 đến tháng 10

Trong giai đoạn này bạn cần giữ cho lá cây xanh tốt, để quá trình quang hợp diễn ra suôn sẻ

Với những cây mai có lá già, nhưng nụ còn nhỏ hơn bình thường thì đây là những cây có thể không kịp nở hoa vào Tết. Lúc này, bạn bón phân thúc bằng phân 10-55-10, 6-30-30,… cách 15 – 20 ngày/ lần. Nếu lá mai vàng úa sắp rụng, nụ đã to, thì hoa mai sẽ nở sớm hơn Tết. Trường hợp này, bạn dùng phân bón đạm cao như phân urea, 30-10-10, 30-15-10,… để làm cho hoa mai nở chậm lại, tưới phân cách 15 – 20 ngày/ lần.

Bạn chú ý rằng, trong giai đoạn này, bạn nên pha phân bón yếu, liều lượng chỉ khoảng ½ liều lượng ghi trên bao bì và 2 tuần dùng 1 lần là được.

6.3. Từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11 âm lịch

Để mai nở đúng dịp Tết, bạn cần bón phân vô cơ vào đầu hoặc giữa tháng 10. Lúc này, phân vô cơ mới giúp mai phát triển tốt. Trong giai đoạn này, bạn chọn loại phân có nhiều lân và kali, ví dụ như 10-55-10, 6-30-30, đầu trâu 901,… Bạn nên bón cho mai mỗi 7 ngày một lần. Ngoài ra, bạn cũng nên dùng kèm các loại phân bón gốc, chẳng hạn như phân trùn quế, Dynamic Lifter để cung cấp chất hữu cơ cho cây.

cách bón phân hoa mai ngày tết - giai đoạn tháng 10 đến tháng 11

Trong giai đoạn này, bạn chọn loại phân có nhiều lân và kali

6.4. Thời điểm đầu tháng Chạp

Vào thời điểm này, bạn cần thực hiện đồng bộ các bước chăm sóc mai bao gồm việc bón phân, tưới nước, và lặt lá. Khi chúng ta bước vào đầu tháng 12 âm lịch, cần tiến hành quan sát kỹ lưỡng về thời tiết và tình trạng của nụ hoa mai để xác định thời điểm lặt lá phù hợp.

Đây thực sự là giai đoạn quyết định đến việc liệu hoa mai có khả năng nở đúng vào ngày Tết hay không. Khi bạn thấy từ ngày mùng 7 đến mùng 12 âm lịch, lá mai bắt đầu có dấu hiệu úa màu và nụ hoa cái lớn sẵn sàng bung vỏ và chuẩn bị nở trong khoảng 3-4 ngày tới. Bạn cần chọn ngày 18-20 là thời điểm lý tưởng để lặt lá, đồng thời ngưng việc tưới nước trong những ngày đó.

cách bón phân hoa mai ngày tết - giai đoạn đầu tháng chạpCần tiến hành quan sát kỹ lưỡng về tình trạng của nụ hoa để xác định thời điểm lặt lá phù hợp

Cùng lúc đó, sử dụng phân urea, loại phân 20-20-20 cộng thêm TE, hòa tan vào nước để tưới cây, nhằm kích thích sự phát triển của cây mai và tạo thêm lá. Khi cây mai bắt đầu đâm chồi mới, cung cấp dưỡng chất để tập trung vào việc phát triển lá, bạn nên giảm lượng dưỡng chất cung cấp cho nụ hoa, giúp chúng nở ra chậm hơn vài ngày so với thời điểm thông thường.

Bài viết trên là chi tiết về cách bón phân hoa mai ngày Tết. Hay Độc Lạ hy vọng rằng bạn và gia đình sẽ có một mùa xuân rực rỡ bên cạnh cây mai nhà mình bạn nhé!

Comments

comments

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*