Top 20 trò chơi dân gian ngày Tết cổ truyền độc đáo hấp dẫn

trò chơi dân gian ngày tết - đánh đu

Trong không khí ngày xuân sôi động, hàng loạt hoạt động vui chơi diễn ra, thu hút đông đảo người tham gia. Âm thanh thi đấu sôi nổi cùng tiếng hò reo rộn ràng tạo nên không khí vô cùng nhộn nhịp những ngày đầu năm. Trong bài viết này, mời các bạn cùng Hay Độc Lạ tìm hiểu 20 trò chơi dân gian ngày Tết vô cùng phổ biến nhé.

 

1. ĐÁNH ĐU

Đánh đu là trò chơi dân gian cổ truyền rất phổ biến vào dịp Tết. Người ta thường tổ chức ở những khu đất trống, rộng rãi. Không chỉ thuận lợi cho việc chuẩn bị, điều này còn thu hút đông đảo người xem và cổ vũ.

Để chơi, cần có một bộ khung đu được làm từ 6 hoặc 8 cây tre lớn và chôn sâu xuống đất. Bộ khung gồm các bộ phận:

  • Trụ đu cố định khung
  • Thượng đu nối hai phần trụ với nhau
  • Bàn đu để người chơi đặt chân lên
  • Tay đu để người chơi nắm tay vào khi đánh đu

trò chơi dân gian ngày tết - đánh đu

Trò đánh đu đòi hỏi người tham gia phải có tinh thần dũng cảm

Về cách chơi, phổ biến nhất là đu đơn và đu đôi. Để chiếc đu di chuyển từ bên này sang bên kia, người chơi phải nhún xuống thật mạnh. Đu càng lên cao càng dễ giành chiến thắng. Nếu muốn dừng lại, người chơi chỉ cần dừng nhún, để đu tự đung đưa cho đến khi chậm lại và dừng hẳn.

Bất cứ ai cũng có thể tham gia đánh đu, không phân biệt già trẻ, gái trai. Tuy nhiên người chơi cần có sức khỏe cũng như tinh thần dũng cảm. Bởi cách chơi khá mạo hiểm khi đánh đu trên cao tít.

2. ĐÁNH ĐÁO

Đánh đáo là trò chơi dân gian trẻ em khá phổ biến vào dịp Tết. Trải qua năm tháng, cách chơi có nhiều thay đổi giữa các vùng miền. Đồng thời, luật chơi cũng được thêm hoặc bớt đi vài phần, phù hợp với điều kiện thực tế của người chơi. Dù vậy, không thể phủ nhận sự hấp dẫn và vui nhộn đến từ trò này.

Về cơ bản, trò chơi diễn thường diễn ra trên một bãi đất trống, bằng phẳng. Vật dụng cần chuẩn bị gồm các đồng xu. Đồng thời, mỗi người tự chuẩn bị một con đáo. Nó có thể làm bằng gạch hoặc đất sét và được mài thành hình dạng tùy theo sở thích.

trò chơi dân gian ngày tết - đánh đáo

Trò đánh đáo thường diễn ra trên một khu đất rộng rãi và tương đối bằng phẳng

Sau đó thì vẽ 2 vạch ngang cách nhau chừng 1,5 – 2m rồi thảy những đồng xu vào giữa đó. Người chơi đứng dưới vạch mức, dùng con đáo của mình để ném vào những đồng xu vừa rải ra. Nếu ném trúng thì được ăn. Ngược lại, người chơi sẽ mất lượt và nhường quyền cho người kế tiếp.

3. ĐUA THUYỀN

Đua thuyền là trò chơi vô cùng sôi nổi, thu hút đông đảo người chơi cũng như cổ vũ. Điều này tạo nên không khí tưng bừng, rộn ràng ngày đầu năm. Thông qua đó, trò chơi thể hiện tinh thần gắn kết và hòa hợp giữa người với người.

trò chơi dân gian ngày tết - đua thuyền

Tinh thần thi đấu sôi nổi cùng tiếng reo hò cổ vũ tạo nên bầu không khí vô cùng nhộn nhịp

Trò này đòi hỏi người tham gia phải có sức khỏe dẻo dai cùng tinh thần kiên cường. Quan trọng hơn hết là sự phối hợp nhịp nhàng với đồng đội bởi phải chơi theo nhóm. Theo đó, mỗi đội chuẩn bị một chiếc thuyền được trang trí rực rỡ, treo cờ ở mũi thuyền. Khi hiệu lệnh xuất phát vang lên, các đội ra sức chèo thật nhanh và đều. Thuyền của đội nào về đích đầu tiên sẽ giành chiến thắng.

4. KÉO CO

Nói đến trò chơi ngày xuân, chắc chắn không thể thiếu trò kéo co. Đây chắc hẳn là hoạt động quá quen thuộc với nhiều người. Không chỉ xuất hiện vào dịp Tết, nó còn góp mặt trong nhiều sự kiện mang tính cộng đồng. Với cách chơi tương đối đơn giản, kéo co được đông đảo người chơi hưởng ứng nhiệt tình.

trò chơi dân gian ngày tết - kéo co

Trò chơi kéo co giúp rèn luyện sức mạnh cơ thể cùng tinh thần đồng đội

Vật dụng để chơi kéo co chỉ cần một sợi dây thừng dài. Quản trò kẻ một vạch vôi làm mốc. Mỗi lượt đấu gồm 2 đội với số lượng người tùy ý. Ngay khi có hiệu lệnh, mỗi đội phải dùng hết sức mạnh kéo đoạn dây sao cho về phía mình thì giành chiến thắng.

5. ĐẤU VẬT

Đấu vật chắc hẳn là trò chơi vô cùng quen thuộc vào ngày Tết. Khác với một số trò khác, người tham gia thường là nam giới và phải có sức khỏe tốt. Để dễ dàng giành chiến thắng, người chơi phải thành thạo nhiều kỹ thuật như bốc, đệm, ghì,… Bên cạnh sức khỏe, sự nhanh nhẹn cùng mưu trí cũng rất quan trọng.

trò chơi dân gian ngày tết - đấu vật

Để giành chiến thắng, mỗi tay vật phải thành thạo nhiều kỹ thuật riêng biệt

Về cách chơi, từng lượt đấu gồm hai người tham gia. Để phân biệt, mỗi người sẽ mặc một chiếc quần màu xanh hoặc đỏ khác nhau. Sàn đấu được đánh dấu bằng một vòng tròn lớn. Khi hiệu lệnh vang lên, người chơi phải dùng sức để quật ngã hoặc đẩy đối phương ra khỏi vòng tròn. Trong quá trình thi đấu, bên ngoài còn có tiếng trống vang lên liên hồi, tăng thêm khí thế cho người chơi.

6. NÉM TUNG (NÉM CÒN)

Ném tung (hay ném còn) là trò chơi dân gian phổ biến của đồng bào dân tộc Mường, Thái. Không ai rõ nó xuất hiện chính thức từ khi nào nhưng ngày nay, nó xuất hiện trong hầu hết hoạt động lễ tết, hội hè. Thông qua đó, người dân địa phương gửi gắm ước nguyện về một năm sung túc, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi.

Trò ném còn thường diễn ra trên một khoảng sân rộng rãi. Giữa sân, người ta dựng một cây nêu cao khoảng 20m. Ngay tại đỉnh cây có gắn vòng tròn với đường kính chừng 45 – 50cm, có trang trí bằng giấy màu. Bên cạnh đó, vật dụng không thế thiếu chính là quả còn được làm từ những mảnh vải vụn đủ màu sắc. Để quả còn dày lên, người ta nhồi thêm hạt bông hoặc thóc vào trong.

trò chơi dân gian ngày tết - ném còn

Ném còn là trò chơi dân gian phổ biến của đồng bào người Thái

Cách chơi ném còn không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự khéo léo rất cao. Trước hết, người chơi đứng đối mặt với cây nêu. Sau đó, họ phải ném quả còn sao cho nó lọt qua vòng tròn ngay trên đỉnh cây. Mỗi lượt ném trúng được tính một điểm. Nếu ném trật thì không có điểm.

7. CỜ NGƯỜI

Cờ người là trò chơi dân gian được mô phỏng theo môn cờ tướng nổi tiếng. Nó thường xuất hiện trong nhiều hoạt động vui chơi mỗi dịp tết đến xuân về ở khu vực phía Bắc. Ngày nay, trò chơi này cũng góp mặt ở một số địa phương thuộc miền Trung và miền Nam. Tuy có đôi chút thay đổi để phù hợp với điều kiện mỗi nơi, nhưng trò chơi vẫn giữ được nét đặc sắc và mang đến không khí vô cùng uy nghiêm, hào hùng.

Tương tự cờ tướng, trò chơi này cũng có bàn cờ với 32 ô được vẽ ngay ngắn. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở chỗ quân cờ do chính người thật đứng vào. Bàn cờ được chia thành 2 phe. Một bên gồm 16 nam mặc áo đỏ. Bên còn lại gồm 16 nữ mặc áo xanh. Phía sau lưng áo in chữ đại diện cho từng quân cờ gồm tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã và tốt.

trò chơi dân gian ngày tết - cờ người

Mỗi lần di chuyển, “quân cờ” sẽ biểu diễn một động tác võ thuật đẹp mắt

Sau khi sắp xếp người vào đúng vị trí trên bàn cờ, hai đấu thủ mặc áo dài cùng khăn xếp sẽ bước ra trận. Dưới sự giám sát của tổng cờ (trọng tài), cả hai sẽ điều khiển các quân cờ di chuyển. Đặc biệt, mỗi lần di chuyển, “quân cờ” thường đi một bài quyền vô cùng ấn tượng. Ai chiếu tướng được đối phương trước sẽ giành phần thắng.

8. NHẢY BAO BỐ

Nhảy bao bố là trò chơi vô cùng quen thuộc. Bên cạnh hội hè, nó còn xuất hiện trong nhiều hoạt động vui chơi mang tính tập thể. Lý do vì cách chơi rất đơn giản. Đi kèm theo đó, vật dụng chuẩn bị cũng không quá cầu kỳ. Hơn hết, trò chơi này giúp tăng cường thể lực, sự đoàn kết cũng như không khí vui tươi cho lễ hội.

Vật dụng cần chuẩn bị là những chiếc bao bố rộng và cao đến ngang hông. Tùy theo số lượng người tham gia mà phân bố số lượng phù hợp. Tiếp đến, người ta kẻ 2 vạch ngang. Vạch thứ nhất là mốc xuất phát và vạch thứ hai là điểm kết thúc. Sau đó, trọng tài sẽ chia người chơi thành các đội gồm 6 – 7 thành viên.

trò chơi dân gian ngày tết - nhảy bao bố

Trò chơi nhảy bao bố được yêu thích vì cách chơi đơn giản

Trước khi bắt đầu, mỗi đội xếp thành một hàng dọc tại điểm xuất phát. Người đầu hàng sẽ bước vào trong bao bố, hai tay giữ chặt lấy miệng bao. Khi tiếng còi báo hiệu vang lên, người chơi phải nhảy thật nhanh đến đích. Lúc vừa chạm đích, phải nhanh chóng quay lại rồi truyền bao bố cho người tiếp theo. Cứ liên tục như thế cho đến người cuối cùng. Đội nào hoàn thành đầu tiên sẽ giành được chiến thắng.

9. MÈO BẮT CHUỘT

Mèo bắt chuột là trò chơi vô cùng quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người. Cách chơi đơn giản cũng như không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ gì khiến nó luôn được các bạn nhỏ yêu thích.

Để chơi mèo bắt chuột, cần một nhóm từ 5 – 6 người trở lên. Sau đó, cả nhóm sẽ oẳn tù tì để chọn ra một người vào vai mèo, một người vào vai chuột. Những thành viên còn lại nắm tay nhau tạo thành vòng tròn lớn. Đồng thời, hai người làm mèo – chuột đứng quay lưng lại với nhau bên trong vòng tròn.

trò chơi dân gian ngày tết - mèo đuổi chuột

Các thành viên tạo thành một vòng tròn lớn để “mèo” đuổi bắt “chuột”

Ngay khi hiệu lệnh bắt đầu vang lên, người đóng vai mèo đuổi theo người đóng vai chuột. Đặc biệt, cả hai chỉ được di chuyển ở khu vực quanh vòng tròn. Trò chơi sẽ kết thúc khi mèo bắt được chuột.

10. THI THỔI CƠM

Thi thổi cơm là trò chơi dân gian phổ biến tại vùng đất quan họ Bắc Ninh. Vào dịp năm mới, hầu hết các làng xã tại đây đều diễn ra hoạt động này. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có cách tổ chức cũng như luật lệ khác nhau ít nhiều. Dù vậy, cuộc thi vẫn lôi kéo đông đảo người tham gia và cổ vũ, tạo nên bầu không khi vui tươi ngày đầu xuân.

Trò chơi này đòi hỏi sự khéo léo cùng tinh thần đồng đội cao của mỗi người chơi. Mỗi đội có ít nhất 2 – 4 thành viên. Đa phần người tham gia thường là nữ. Để trò chơi diễn ra tốt đẹp, cần chuẩn bị dụng cụ gồm:

  • Đòn gánh dài 3m
  • Một đoạn dây dài và chắc chắn dùng làm quang gánh
  • Nồi cơm, thường là nồi đất

trò chơi dân gian ngày tết - thi thổi cơm

Để giành chiến thắng, cần đến sự phối hợp ăn ý giữa 2 người chơi

Đồng thời, ban tổ chức cũng phân phát những vật liệu cần thiết như gạo, nước, củi, diêm. Trước lúc bắt đầu, các đội chơi tập trung tại điểm xuất phát. Ngay khi hiệu lệnh vang lên, một thành viên phải vác đòn gánh có treo nồi cơm di chuyển. Những người còn lại thay phiên nhau thổi lửa, nấu cơm. Chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về đội nấu cơm chín đều, dẻo, thơm trong thời gian nhanh nhất.

11. BỊT MẮT BẮT DÊ

Bịt mắt bắt dê giúp rèn luyện tính khéo léo, nhanh nhẹn cùng khả năng phán đoán tài tình. Đồng thời, thông qua đó mang đến cảm giác vui tươi, nhộn nhịp. Chính vì thế, chơi trò này vào dịp tết quả thật rất phù hợp.

Trò bịt mắt bắt dê không giới hạn số lượng người chơi. Càng đông người, không khí sẽ thêm phần rộn ràng và phấn khởi hơn. Trước khi bắt đầu, cả nhóm cùng oẳn tù tì để chọn một người bị bịt mắt. Sau đó tất cả đứng rải rác xung quanh. Tiếng hô “bắt đầu” vang lên báo hiệu trò chơi bắt đầu.

trò chơi dân gian ngày tết - bịt mắt bắt dê

Một người phải bịt mắt và đoán xem những người còn lại là ai dựa theo âm thanh

Người bị bịt mắt phải lần theo âm thanh và đoán xem những người còn lại đang đứng ở đâu. Nếu người này hô “đứng lại”, tất cả phải dừng ngay vị trí của mình. Phần việc tiếp theo chính là tiến đến một thành viên bất kỳ và nói tên chính xác của người đó.

12. ĐI CÀ KHEO

Trong các dịp vui chơi lễ hội, không thể thiếu màn thi đấu cà kheo. Trò chơi này không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Vì vậy ai cũng đều có thể tham gia trò chơi này. Tuy nhiên, bạn phải làm tốt việc giữ thăng bằng trên không. Quan trọng hơn hết chính là sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể.

trò chơi dân gian ngày tết - đi cà kheo

Đi cà kheo là trò chơi dân gian vô cùng độc đáo ngày Tết

Dụng cụ cho trò chơi là 2 thanh cà kheo được làm từ tre, chắc chắn và cứng cáp. Mỗi chiếc dài từ 2 – 4m và có gắn một thanh ngang để người chơi đặt chân lên. Khi hiệu lệnh bắt đầu vang lên, người tham gia phải di chuyển trên đôi cà kheo từ vạch xuất phát đến đích. Người chiến thắng là người đến đích sớm nhất mà không bị ngã, làm hư kheo hay phạm luật.

13. RỒNG RẮN LÊN MÂY

Với trẻ em, Tết là thời điểm được mong chờ vô cùng. Không chỉ được diện trang phục truyền thống, đây còn là dịp để các em tụ tập, cùng nhau vui chơi thật thỏa thích. Để gắn kết các bé cũng như tăng khả năng phản xạ, rồng rắn lên mây nhất định là trò chơi rất thích hợp.

Số lượng người chơi lý tưởng khoảng 6 – 7 người. Cả nhóm chọn ra một bạn đóng vai thầy thuốc, những người còn lại làm rồng rắn. Khi bắt đầu, thầy thuốc ngồi yên tại một vị trí. Đoàn rồng rắn xếp thành một hàng dọc rồi đi quanh thầy thuốc. Vừa đi, tất cả vừa hát bài đồng dao:

Rồng rắn lên mây

Có cái cây lúc lắc

Có cái nhà hiển binh

Có ông chủ ở nhà không?

trò chơi dân gian ngày tết - rồng rắn lên mây

Trò chơi rồng rắn lên mây mang đến sự vui vẻ và gắn kết các bạn nhỏ

Câu cuối vừa dứt, nếu thầy thuốc đáp “không” thì cả đoàn tiếp tục đi và hát. Ngược lại, nếu trả lời “có”, hai bên cùng đối đáp như sau:

Rồng rắn: Ông chủ đang làm gì?

Thầy thuốc: Ông chủ đang đánh răng

Rồng rắn: Ông chủ muốn xin gì?

Thầy thuốc: Xin khúc đầu

Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu

Thầy thuốc: Xin khúc giữa

Rồng rắn: Cùng máu cùng me

Thầy thuốc: Xin khúc cuối

Rồng rắn: Tha hồ đuổi

Vừa dứt câu, thầy thuốc sẽ đuổi theo và bắt bằng được người cuối hàng. Lúc này, cả nhóm phải ngăn cản thầy thuốc. Nếu để bị bắt, người đó sẽ bị loại và trò chơi tiếp tục.

14. CÁ SẤU LÊN BỜ

Cá sấu lên bờ là trò chơi dân gian quen thuộc với nhiều thế hệ. Thông qua đó, người chơi được nâng cao khả năng vận động cũng như tinh thần đoàn kết. Với không khí vui tươi và sôi nổi, nó rất thích hợp cho các bé vào ngày Tết.

Số lượng người tham gia càng đông càng tăng thêm phần phần khởi cho cuộc chơi. Đồng thời, nên chọn những địa điểm thoáng mát, rộng rãi để các bé thỏa sức chạy nhảy. Đầu tiên, tất cả cùng oẳn tù tì chọn ra một bạn đóng vai cá sấu. Tiếp đến, dùng vạch kẻ phân định 2 bên bờ, chừa khoảng trống ở giữa làm sông.

trò chơi dân gian ngày tết - cá sấu lên bờ

Một người đóng vai cá sấu và đi bắt những thành viên còn lại

Người đóng vai cá sấu sẽ đi qua đi lại hai bên bờ và quan sát. Cá sấu được quyền bắt những ai bước ra khỏi vạch hoặc bước xuống sông. Để tăng thêm phần kịch tính, người chơi có thể nhân lúc cá sấu không để ý mà chạy qua chạy lại hai bên bờ. Tuy nhiên, trường hợp bị tóm, bạn sẽ thành cá sấu và tiếp tục cuộc chơi.

15. CƯỚP CỜ

Cướp cờ là trò chơi dân gian mang tính đồng đội cao. Số lượng người chơi thường là số chẵn, khoảng 4 – 8 người, để dễ dàng chia thành 2 đội. Thông qua trò này, bạn sẽ được rèn luyện sự nhạy bén cùng óc phán đoán tài tình.

Vật dụng cần thiết cho trò này gồm một cái khăn tượng trưng cho lá cờ. Trò chơi diễn ra trên một khu đất trống và rộng rãi. Trên sân kẻ một vòng tròn lớn có vạch ngang ở giữa để cắm cờ vào đó. Đồng thời, mỗi bên phải có vạch xuất phát của hai đội.

trò chơi dân gian ngày tết - cướp cờ

Ai cướp được cờ về vạch xuất phát mà không bị đối phương chạm tay vào người sẽ giành chiến thắng

Sau khi phân chia thành viên, mỗi đội đứng vào vạch của mình. Từng thành viên điểm số từ 1 đến hết và phải nhớ số thứ tự. Trọng tài đứng bên ngoài gọi số. Ai được gọi thì nhanh chóng chạy đến khu vực cắm cờ. Nếu lấy được cờ chạy về vạch xuất phát mà không bị đối phương chạm tay vào người sẽ chiến thắng.

16. BỊT MẮT ĐẬP NIÊU ĐẤT

Ngày Tết sẽ thêm phần rộn ràng khi tham gia trò chơi bịt mắt đập niêu đất. Đặc biệt, trò này không giới hạn số lượng người tham gia. Càng đông người, không khí càng thêm nhộn nhịp hơn. Dụng cụ gồm có niêu đất, sào treo niêu, gậy cùng khăn bịt mắt. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể thay niêu đất bằng heo nhựa, bóng nước, lon thiếc,…

trò chơi dân gian ngày tết - bịt mắt đập niêu đất

Người nào đập vỡ được nhiều niêu đất nhất sẽ giành chiến thắng

Hiện nay, trò này gồm 2 cách chơi như sau:

  • Cách 1: Một người chơi bị bịt mắt và đứng cách xa nơi treo niêu khoảng 2m. Khi quản trò hô bắt đầu, bạn phải dựa vào phán đoán để di chuyển đến đúng vị trí treo niêu. Dùng gậy đập vỡ nó để ghi điểm.
  • Cách 2: Một người cõng người còn lại. Cả hai đều bị bịt mắt. Người được cõng cầm gậy, người còn lại dựa theo chỉ dẫn và di chuyển đến nơi treo niêu rồi đập vỡ nó.

17. ĐÁNH PHẾT

Đánh phết là trò chơi dân gian ngày Tết cổ truyền phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Khu vực diễn ra trò chơi thường là sân đình hay nơi đất trống và rộng rãi. Không chỉ rèn luyện khả năng vận động, nó còn giúp mọi người gắn kết và gần gũi hơn.

trò chơi dân gian ngày tết - đánh phết

Mỗi người phải đánh quả bóng vào lỗ của phía đối phương đế giành chiến thắng

Để bắt đầu trò chơi, người tham gia được chia thành 2 phe với số thành viên ngang nhau. Mỗi thành viên được trang bị một cây gậy tre dài gần 1m. Quản trò tung quả phết (làm bằng gỗ, đẽo tròn) lên cao. Ngay khi nó vừa chạm đất, cuộc đấu chính thức diễn ra. Thành viên mỗi đội phải di chuyển khéo léo rồi dùng gậy đánh quả phết vào vòng tròn của đối phương.

18. BẮT CHẠCH TRONG CHUM

Bắt chạch trong chum là trò chơi dân gian phổ biến ở miền quê Bắc Bộ. Mang đậm tín ngưỡng phồn thực, trò chơi này là dịp để trai gái hò hẹn, kết đôi. Thông qua đó, người dân gửi gắm khát vọng sinh sôi và phát triển ngày một lớn mạnh hơn.

trò chơi dân gian ngày tết - bắt chạch trong chum

Mỗi cặp nam nữ phải bắt hết số chạch trong chum trong thời gian nhanh nhất có thể

Để tham gia, người chơi sẽ bắt cặp thành một đôi nam – nữ. Ban tổ chức chuẩn bị những chum nước tương ứng với số cặp thi đấu. Mỗi chum được đổ nước gần đầy và thả 1 – 3 con cá chạch hoặc lươn. Khi tiếng trống báo hiệu vang lên, các cặp đôi nắm tay nhau cùng bắt chạch. Đội nào mang hết tất cả cá trong chum ra sân trước sẽ giành chiến thắng.

19. Ô ĂN QUAN

Ô ăn quan là trò chơi dân gian đòi hỏi sự trí tuệ cùng sức sáng tạo. Mỗi lượt chơi gồm hai người. Trước khi bắt đầu, bạn phải vẽ một hình chữ nhật, phần trong được chia thành 10 ô vuông bằng nhau. Hai bên đầu khung này vẽ thêm 2 nửa vòng tròn. Dùng những viên đá nhỏ rải vào các ô vuông, mỗi ô 5 quân. Riêng khu vực nửa vòng tròn rải 10 quân cùng 1 quan.

trò chơi dân gian ngày tết - ô ăn quan

Trò chơi ô ăn quan đã quá quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người

Người đi đầu tiên sẽ bốc số quân trong một ô bên mình rồi rải đều từng viên sang ô khác. Có thể rải từ trái sang phải, hoặc ngược lại, tùy theo chiến thuật của bản thân. Bạn phải nhường lượt cho người đối diện khi có 2 ô trống phía trước ô được rải quân. Tuy nhiên, nếu chỉ có 1 ô trống, bạn sẽ được “ăn” hết những quân ở ô kế tiếp.

20. ĐI CẦU KIỀU

Đi cầu kiều là trò chơi dân gian khá quen thuộc ở khu vực phía Bắc. Cứ đến dịp hội hè, lễ tết, người ta lại tổ chức trò này với đông đảo người tham gia. Để giành chiến thắng, bạn phải rất khéo léo và can đảm.

Địa điểm diễn ra trò chơi thường ở một chiếc ao rộng nhưng không quá sâu. Người ta thiết kế một cọm gầu sòng bằng 3 cây tre buộc chéo nhau và đặt cách bờ chừng 5m. Ngay giữa buộc một sợi dây dài dùng để treo đoạn cây dài làm cầu. Gốc cầu được gác lên bờ.

trò chơi dân gian ngày tết - đi cầu kiều

Phần thân cầu đung đưa khá mạnh là thách thức lớn dành cho người chơi

Tuy có điểm tựa nhưng khi bước đi, cầu sẽ đung đưa rất mạnh. Điều này gây khó khăn rất lớn cho người chơi. Do đó, không phải ai cũng dễ dàng đi đến tận cuối đầu bên kia cầu.

Vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu 20 trò chơi dân gian ngày Tết vô cùng đặc sắc. Rất nhiều trò chơi vô cùng đơn giản về việc chuẩn bị lẫn cách thức chơi. Nhờ đó, bạn có thể tổ chức tại nhà để vui chơi cùng người thân, bạn bè. Hay Độc Lạ hy vọng qua thông tin vừa chia sẻ, bạn đọc sẽ tìm được những trò giải trí thú vị, giúp ngày Tết thêm vui vẻ và rộn ràng tiếng cười.

Comments

comments

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*