Những trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán trên Thế Giới

trang phục truyền thống các nước đón tết nguyên đán - áo dài

Không riêng Việt Nam, một số quốc gia châu Á cũng đón năm mới theo lịch âm. Vào lúc này, bên cạnh vui chơi, người dân mỗi nơi còn diện lên những bộ trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc. Điều này góp phần vào công cuộc lưu giữ cũng như phát triển nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp. Trong bài viết này, mời các bạn cùng Hay Độc Lạ điểm qua 11 trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán nhé.

 

1. ÁO DÀI (VIỆT NAM)

Tà áo dài thướt tha trong gió từ lâu đã trở thành biểu tượng độc đáo cho nét đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Trang phục có phần cổ khá cao tạo nên nét kín đáo, e lẹ. Đổi lại, áo được xẻ tà ở phần hông mang lại sự quyến rũ khó cưỡng cho người mặc. Kết hợp với chiếc quần dài, đây là trang phục vừa đem lại sự dịu dàng vừa làm toát lên nét gợi cảm cho người phụ nữ.

trang phục truyền thống các nước đón tết nguyên đán - áo dài

Áo dài tăng thêm vẻ duyên dáng nhưng không kém phần quyến rũ cho người mặc

Hơn cả ý nghĩa về thời trang, áo dài chính là biểu tượng cho cái đẹp cùng truyền thống luôn hiện hữu ở mọi nơi. Không chỉ xuất hiện trong ngày cưới, áo dài còn được diện vào ngày Tết cổ truyền. Tuyệt vời làm sao khi bước xuống phố, ta nhìn thấy những tà áo dài xinh xắn, muôn sắc muôn màu. Hòa với vẻ tươi thắm của muôn hoa, quả là một bức tranh vô cùng sống động ngày tết đến xuân về.

2. KEBAYA (INDONESIA)

Indonesia nổi tiếng với vô số hòn đảo lớn nhỏ cùng sự đa dạng về sắc tộc và ngôn ngữ. Mỗi tộc người có tiếng nói cùng phong tục khác nhau, làm phong phú nền văn hóa của “xứ sở vạn đảo”. Cũng bởi lẽ đó mà nói đến trang phục truyền thống Indonesia, có thể liệt kê rất nhiều hình thức, dựa theo từng khu vực. Thế nhưng, Kebaya lại là trang phục đại diện cho quốc gia này.

Yếu tố đầu tiên tạo nên Kebaya chính là chiếc áo ôm sát cơ thể. Phần cổ áo mở rộng. Tay áo dài xuống đến cổ tay và được in hoặc dệt vô số họa tiết bắt mắt. Chất liệu may thường thuộc loại mỏng nhẹ và thoáng mát. Phụ nữ Indonesia mặc áo cùng với chiếc váy kain. Đây là một dải vải có nhiều nếp gấp xếp ly và quấn quanh từ eo xuống tận mắt cá chân.

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - kebaya

Kebaya nổi bật với chất vải đầy màu sắc và vô cùng rực rỡ

Trước đây, Kabaya được xem như trang phục của riêng gia đình hoàng gia hoặc giới quý tộc. Tuy nhiên, nó nhanh chóng phổ biến trong quần chúng rồi trở thành trang phục tiêu biểu của nước này. Ngày nay, có rất nhiều mẫu cách tân từ Kebaya truyền thống và được đông đảo mọi người yêu thích. Hơn hết, nó còn góp mặt trong các dịp lễ tết, sự kiện quan trọng của Indonesia.

3. SAMPOT (CAMPUCHIA)

Tiếp đến, mời bạn cùng ghé thăm Vương quốc Campuchia và khám phá trang phục truyền thống Sampot độc đáo. Về cơ bản, nó tương tự như xà rông. Sampot là một mảnh vải dài 3m, rộng chừng 1m và dùng để che chắn phần dưới cơ thể.

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - sampot

Sampot được mặc như một chiếc quần hơn là váy

Người ta mặc bằng cách quấn quanh eo, phần đuôi ở hai đầu được thắt vào giữa hai chân rồi dùng thắt lưng kim loại cố định lại. Trang phục này không giống váy mà trông như một chiếc quần hơn. Đồng thời, người ta thường dùng vải có màu sắc rực rỡ kèm theo trang trí nổi bật để may. Đặc biệt, bên cạnh nữ giới, nam giới Campuchia cũng diện Sampot trong các ngày lễ quan trọng.

4. HANBOK (HÀN QUỐC)

Nếu đam mê phim cổ trang Hàn Quốc, chắc chắn bạn không còn xa lạ với những bộ Hanbok lộng lẫy và sặc sỡ. Đây chính là trang phục truyền thống của xứ sở kim chi. Cấu tạo nên nó có vô số chi tiết nhỏ và phức tạp. Về cơ bản, Hanbok gồm Jeogori (áo ngắn khoác ngoài), Chima (váy thắt eo cao) cùng Baji (quần ống rộng truyền thống).

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - hanbok

Hanbok được tạo nên từ vô số chi tiết phức tạp

Có lẽ điểm nhấn của Hanbok nằm ở phần váy xòe, rộng dần về gót chân. Điều này tạo nên nét đẹp dịu dàng nhưng không kém phần quyến rũ cho nữ giới mỗi lúc di chuyển. Khác với thời xưa, người Hàn hiện nay mặc Hanbok chủ yếu vào dịp lễ tết, kết hôn hoặc khi diễn ra sự kiện quan trọng. Nếu có dịp du lịch Hàn Quốc, đừng bỏ qua trải nghiệm mặc thử Hanbok bạn nhé.

5. DEEL (MÔNG CỔ)

Deel là một chiếc áo choàng truyền thống của người Mông Cổ. Không chỉ giữ ấm cơ thể, trang phục này còn được thiết kế để đảm bảo sự thoải mái cho người mặc khi hoạt động. Ngày thường, người Mông Cổ mặc quần áo hiện đại. Thế nhưng, vào dịp Tết cổ truyền hoặc lễ hội, họ lại diện lên mình chiếc áo Deel vô cùng sặc sỡ nhưng không kém phần tinh tế.

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - deel

Mỗi bộ tộc Mông Cổ còn có nhiều kiểu may Deel khác nhau

Điểm độc đáo của Deel nằm ở hai vạt áo được đắp chéo. Vạt bên phải đắp chéo qua bên trái và ôm sát lấy cơ thể. Nút được may vào dưới nách, vai cùng đường viền cổ áo. Ngoài ra, mỗi bộ tộc còn có nhiều kiểu may Deel khác nhau. Nếu không phải người địa phương, rất khó để nhận biết chiếc áo bạn đang thấy đến từ bộ tộc nào.

6. SARI (ẤN ĐỘ)

Những bộ sari rực rỡ sắc màu đến từ Ấn Độ luôn làm nhiều người không khỏi trầm trồ. Không chỉ có tính thẩm mỹ cao, trang phục này còn chứa đựng tinh thần cũng như truyền thống của nhân dân Ấn Độ. Nó tôn lên nét đẹp quyến rũ nhưng cũng đầy bí ẩn cho người phụ nữ.

Về cơ bản, sari gồm 2 mảnh vải. Một mảnh quấn che lấy toàn bộ cơ thể. Và mảnh còn lại dùng quấn ngang eo, bắt chéo qua vai và để rủ xuống một cách mềm mại. Phải nói rằng việc thiết kế sari hết sức cầu kỳ. Hơn nữa, một số công đoạn còn được may hoàn toàn bằng tay. Đặc biệt, mỗi vùng miền còn có cách biến tấu khác nhau khi thực hiện, làm nên đặc trưng cho khu vực đó.

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - sari

Sari được thiết kế vô cùng lộng lẫy và rực rỡ

Ngoài ra, trang sức đi kèm cũng phong phú cực kỳ. Từ vòng cổ, vòng tay cho đến khuyên mũi, tất cả góp phần tăng thêm vẻ lung linh cho trang phục. Bởi thế, chỉ cần nhìn vào một bộ sari hoàn chỉnh, người ta như đang ngắm một kiệt tác nghệ thuật, hoàn hảo đến từng chi tiết.

7. KIMONO (NHẬT BẢN)

Nói đến trang phục truyền thống Nhật Bản, không ai không biết chính là Kimono. Trang phục gây ấn tượng với phần tay áo dài cùng thân áo thẳng và ôm sát phần thân dưới. Thiết kế như vậy không chỉ phù hợp với vóc dáng người Nhật. Hơn hết, điều này còn giúp người mặc trở nên khoan thai, nhẹ nhàng trong từng bước đi. Từ đó toát lên khí chất thanh tao vô cùng.

Có rất nhiều loại kimono khác nhau. Trong đó, Tsukesage là trang phục dành cho dịp lễ tết hoặc các sự kiện mang tính trang trọng. Điểm nhấn của nó nằm ở hoa văn chạy dọc theo thân áo. Chúng được vẽ tương đối nhỏ và đơn giản nhưng lại chứa đựng sự tinh tế vô cùng.

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - kimono

Để hoàn thiện bộ trang phục, việc làm tóc cũng rất quan trọng

May một bộ Kimono không hề đơn giản. Trung bình, người ta tốn 12 mét vải để làm thành sản phẩm hoàn chỉnh. Chẳng những vậy, khoác nó lên người cũng vô cùng phức tạp và cầu kỳ. Việc này đòi hỏi người mặc phải thuần thục từng bước cũng như am hiểu tường tận từng chi tiết nhỏ của trang phục. Hơn cả thời trang, đó chính là nghệ thuật.

8. SƯỜN XÁM (TRUNG QUỐC)

Sườn xám là trang phục truyền thống tiêu biểu của nữ giới Trung Quốc. Nó được may theo kiểu xẻ tà và chít eo. Phần cổ đứng và khá thấp. Tay áo ngắn, thậm chí có loại không may tay áo. Khuy áo nằm dọc một bên sườn. Điểm nhấn của trang phục nằm ở phần tà áo được xẻ cao, tạo nên dáng vẻ gợi cảm cho người mặc. Tuy nhiên, vẫn có những loại sườn xám không xẻ tà hoặc chỉ xẻ một bên.

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - sườn xám

Sườn xám thường được may từ satin, tơ tằm, lụa

Vải may sườn xám thường là satin, tơ tằm, lụa,… Bên cạnh đó, màu sắc cũng như họa tiết may trên áo rất đa dạng. Từng là trang phục thịnh hành một thời, sườn xám hiện nay thường xuất hiện trong dịp tết hoặc các ngày lễ quan trọng. Với thiết kế độc đáo, nó góp phần tôn lên dáng vẻ yểu điệu và quyến rũ khó cưỡng cho người mặc.

9. THUMMY (MYANMAR)

Thummy là tên gọi trang phục truyền thống dành cho nữ giới ở Myanmar. Trang phục gồm 2 phần. Đầu tiên là áo dài vừa chạm đến eo. Cổ áo được thiết kế theo nhiều kiểu dáng, chủ yếu có cổ tròn hoặc chữ V. Phần còn lại là chiếc váy suông và dài đến mắt cá chân. Thông thường, phụ nữ Myanmar sẽ mặc áo và váy cùng màu sắc.

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - thummy

Thummy gồm 1 chiếc áo vừa chạm đến eo cùng 1 chiếc váy suông dài

Khác với nam giới, trang phục phụ nữ Myanmar vô cùng sặc sỡ. Không chỉ đa dạng về màu sắc, họa tiết trên vải cũng cực kỳ phong phú. Nó có thể bao gồm hoa văn, hình lượn sóng, zigzag,… Về chất liệu, trang phục thường được may từ lụa hoặc satin. Bên cạnh lễ tết, người dân còn diện Thummy cả trong ngày thường.

10. SINH (LÀO)

Ở Lào, trang phục truyền thống của nữ giới gọi là Sinh. Về thiết kế, nó gồm 3 phần chính. Trước hết là suea pat, tức phần áo dài/ ngắn tay và không may nút. Tiếp đến, Lào Sinh chỉ chiếc váy dài gần như chạm mắt cá chân. Trong đó, phần chân váy thường được dệt thêm đường viền rất công phu và tỉ mỉ. Cuối cùng là chiếc khăn quấn chéo vai, gọi vằng Pha Biang.

trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán - sinh

Điểm nhấn của trang phục Sinh nằm ở chiếc khăn vắt chéo ngang vai

Đa phần các bộ Sinh đều mang màu sắc vô cùng rực rỡ như vàng, đỏ,… Một số phụ kiện đi kèm như vòng cổ, khuyên tai, vòng tay góp phần tăng thêm sự lung linh cho bộ trang phục. Do đó, vào ngày tết cổ truyền, không khó để bắt gặp những cô gái Lào duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống.

11. THAI CHAKKRI (THÁI LAN)

Trang phục truyền thống Thái Lan được gọi chung là Phasin. Đồng thời, nó còn có nhiều loại với kiểu dáng đặc trưng riêng. Trong số đó, Thai Chakkri là trang phục khá phổ biến trong dịp lễ tết hoặc khi diễn ra sự kiện quan trọng.

trang phục truyền thống các nước đón tết nguyên đán - Thai Chakkri

Thiết kế lệch vai tạo điểm nhấn cho bộ trang phục Thai Chakkri

Nét đặc trưng của nó nằm ở thiết kế lệch vai. Theo đó, một bên vai để trần, vai còn lại có một tấm lụa dài (sabai) vắt chéo qua. Điều này mang lại nét quyến rũ nhưng không kém phần tinh tế cho người mặc. Song song đó, để hoàn thiện trang phục còn có một chiếc váy dài quấn ngang người (phasin).

Trên đây là 11 trang phục truyền thống các nước đón Tết Nguyên Đán ở châu Á. Có thể thấy, mỗi quốc gia đều mang trong mình những giá trị riêng biệt, thể hiện qua từng trang phục. Hơn cả ý nghĩa về mặt thời trang, chúng còn thể hiện tinh thần dân tộc vô cùng mạnh mẽ. Hay Độc Lạ hy vọng rằng qua đó, bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin mới mẻ và bổ ích.

Comments

comments

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*