Ý nghĩa hình ảnh con lân ngày Tết – nét đẹp truyền thống Việt

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết - múa lân

Đến nay, còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc con lân có thật hay không. Dù vậy, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nó trong đời sống tinh thần của cư dân một số nước Á Đông, kể cả Việt Nam. Là linh vật thuộc bộ Tứ linh (Long – Lân – Quy – Phụng), con vật này đại diện cho sự sung túc cùng nhiều ý nghĩa phong thủy khác. Bên cạnh được thờ ở đình, miếu, người ta còn bắt gặp nó vào những ngày Tết (Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán,…), biểu trưng cho những điều tốt đẹp. Trong bài viết này, mời các bạn cùng Hay Độc Lạ giải mã ý nghĩa hình ảnh con lân ngày Tết nhé.

1. HÌNH TƯỢNG CON LÂN CÓ Ý NGHĨA GÌ?

1.1. Con lân là con gì? Hình dáng ra sao?

Lân (hay kỳ lân) là một linh vật thuộc bộ Tứ linh (gồm Long – Lân – Quy – Phụng). Không ai rõ con vật này xuất hiện từ khi nào nhưng nó đã trở thành biểu tượng văn hóa của nhiều nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc,…

Về hình dáng bên ngoài, con lân được mô tả là sinh vật đầu rồng, thân thú. Đặc biệt, trên đầu nó có một cái sừng nhưng không hại ai bao giờ. Vì thế, nhiều người thường ví con vật này như hiện thân của sự Từ Tâm.

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết là gì

Con lân là linh vật được mô tả có đầu rồng, mình thú

Ngoài ra, trong văn hóa Việt Nam, hình tượng kỳ lân có phần hiền lành hơn với mắt và mũi khá to, mõm ngắn, đuôi xù. Chỉ cần nhìn vào, ai ai cũng cảm nhận được sự vui vẻ, hoạt bát và thân thiện.

1.2. Ý nghĩa về mặt phong thủy của con lân 

Theo quan niệm dân gian, con lân đại diện cho sự may mắn và hạnh phúc. Đồng thời, nó còn đại diện cho lòng nhân từ cũng như tính hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình. Hơn nữa, linh vật này còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn về mặt tâm linh. Vì vậy, tượng kỳ lân được nhiều người đặt trong nhà hoặc tại các công trình kiến trúc tiêu biểu.

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết về phong thủy

Trong phong thủy, tượng kỳ lân được cho có tác dụng ngăn chặn tà khí, mang đến may mắn cho gia chủ

Tượng kỳ lân phong thủy mang những ý nghĩa như sau:

  • Ngăn chặn tà khí, hóa giải điều không may, gia tăng phúc lộc cho gia đình.
  • Tượng đứa bé cưỡi kỳ lân được gọi là Kỳ lân tống tử. Một số gia đình đặt tượng này trong nhà với mong muốn con đàn cháu đống, gia đình đông vui và hòa thuận.
  • Trong kiến trúc cung đình, kỳ lân được đặt thành từng cặp đứng chầu trước cung vua. Hình ảnh này biểu tượng cho lòng trung thành.
  • Tượng lân đặt ở đền, miếu toát lên dáng vẻ tôn nghiêm, uy nghi và cung kính.

2. MÚA LÂN NGÀY TẾT

2.1. Nguồn gốc của múa lân

Bên cạnh tượng phong thủy, hình ảnh con lân còn xuất hiện trong ngày lễ Tết thông qua hoạt động múa lân đầy sôi động. Về nguồn gốc, phần lớn tài liệu cho rằng nghệ thuật đường phố đặc sắc này bắt nguồn từ Trung Quốc. Thế nhưng, cũng có một số ý kiến cho biết tục múa lân du nhập từ Ba Tư hoặc Ấn Độ vào Trung Hoa. Tuy còn nhiều nghi vấn nhưng không thể phủ nhận múa lân hiện là hoạt động vô cùng phổ biến ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore,…

Mặt khác, có một truyền thuyết vô cùng phổ biến lý giải về sự ra đời của tục múa lân. Theo đó, từ thời xa xưa, con lân sống ở dưới biển. Không như bây giờ, nó cực kỳ hung dữ. Mỗi năm, lân hiện lên mặt đất một lần để bắt người cùng gia súc. Người dân làm đủ mọi cách để diệt trừ nó nhưng đều thất bại.

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết - múa lân

Múa lân là nghệ thuật đường phố vô cùng đặc sắc ở một số nước châu Á, bao gồm Việt Nam

Bỗng ngày kia, một người đàn ông bụng phệ, nét mặt hiền hòa, miệng cười toe toét xuất hiện. Ông dùng một loại cỏ tiên gọi là Linh Chi thảo để nhử con vật hung tợn. Quả nhiên, nó nghe theo và từ từ được thuần hóa thành loài thú hiền lành, chỉ ăn hoa quả.

Cuộc sống bình yên, vui tươi trở lại. Chẳng những thế, hằng năm, con lân lại cùng ông lão đi xuống nhân gian, mang đến những điều tốt lành cho tất cả mọi người. Bởi thế mà trong dân gian lưu truyền câu nói “Kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình”, hàm ý điềm lành sắp đến. Đồng thời, câu chuyện này còn gửi gắm bài học về việc bỏ ác làm lành, quay đầu là bờ. Và nghệ thuật múa lân cũng ra đời từ đó.

2.2. Nghệ thuật múa lân gồm những gì?

Đoàn múa lân gồm 2 người vào vai con lân. Một người đội chiếc đầu lân to tướng, người còn lại đứng ở phần thân và đuôi. Cả hai phải cùng phối hợp nhịp nhàng để trình diễn những động tác quen thuộc của con vật này. Trang phục múa lân không chỉ được thiết kế với màu sắc rực rỡ mà còn vô cùng tỉ mỉ.

Một nhân vật khác cũng quan trọng không kém chính là Ông Địa. Hình ảnh Ông Địa với cái bụng to tròn, cầm quạt mo phe phẩy đại diện cho ông lão đã thuần hóa con lân xưa kia. Ông Địa đi đến đâu, lân cũng xuất hiện theo đấy. Cảnh tượng này thể hiện sự gắn kết giữa con người cùng loài vật trong không khí yên bình, an vui.

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết - múa lân có gì

Bên cạnh con lân, để tiết mục hoàn hảo nhất không thể thiếu nhân vật Ông Địa

Để tạo không khí náo nhiệt, không thể thiếu âm thanh rộn ràng của các nhạc cụ. Chúng bao gồm trống, thanh la, chũm chọe, kèn,… Không chỉ tạo nhịp điệu cho con lân và Ông Địa, âm nhạc giúp phần trình diễn thêm sống động, nhộn nhịp. Cùng với tiếng reo hò của người xem, buổi múa lân sẽ càng náo nhiệt, phấn khởi vô cùng.

2.3. Múa lân được biểu diễn vào ngày nào?

Múa lân là hoạt động nghệ thuật đường phố cực kỳ náo nhiệt. Với ý nghĩa mang đến may mắn và tốt lành, người ta thường biểu diễn vào ngày Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Thông qua đó, mọi người muốn gửi gắm ước nguyện về một năm đầy sung túc đi kèm nhiều niềm vui. Ngoài ra, múa lân còn được trình diễn vào dịp khai trương cửa hàng với ý nghĩa cầu chúc buôn may bán đắt, mọi sự hanh thông.

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết - múa lân khi nào

Múa lân thường được biểu diễn vào dịp lễ Tết, khai trương, sự kiện quan trọng

3. MÚA LÂN TRONG NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN MANG Ý NGHĨA GÌ?

Như đã chia sẻ, con lân mang ý nghĩa xua đuổi điềm rủi, ngăn chặn điều không may. Đồng thời, những màn múa lân rộn rã mang đến không khí hết sức tươi vui. Trong khi đó, nhiều người quan niệm ngày đầu năm là thời điểm rủ bỏ cái cũ, đón chào cái mới. Vì thế, không có gì lạ khi múa lân được biểu diễn phổ biến vào ngày Tết Nguyên Đán.

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết và múa lân

Thông qua hoạt động múa lân sôi nổi, người ta gửi gắm khát vọng về một năm mới bình an, sung túc

Thông qua đó, tất cả cùng nhau gửi gắm khát vọng về một năm đầy thuận lợi, mọi sự hanh thông. Cùng với đó, hoạt động này còn thể hiện niềm tin năm mới bình an, sức khỏe dồi dào. Quan trọng hơn hết, màn phối hợp ăn ý của Ông Địa và con lân còn ẩn chứa triết lý nhân văn sâu sắc. Đó chính là sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên.

4. NHỮNG TIẾT MỤC MÚA LÂN THƯỜNG BIỂU DIỄN NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN

4.1. Lân độc chiếm ngao đầu

Với tiết mục này, con lân phô diễn tài nghệ nhảy cao và leo trèo. Người xem sẽ vô cùng ấn tượng khi chứng kiến màn trình diễn tả xung hữu đột, tiến lui nhịp nhàng. Con lân toát lên dáng vẻ cực kỳ hùng dũng, tượng trưng cho sự uy dũng của một bậc hảo hán tài ba. Phần diễn Lân độc chiếm ngao đầu còn thể hiện một năm tấn tài tấn lộc, mọi việc đều tiến lên phía trước.

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết - lân độc chiếm ngao đầu

Với tiết mục Lân độc chiếm ngao đầu, con lân sẽ phô diễn tài nghệ leo trèo và di chuyển linh hoạt

4.2. Lân song hỷ

Tiết mục Lân song hỷ gồm 2 con lân biểu diễn. Những điệu múa mềm mại, uyển chuyển gợi lên cảm giác hân hoan, vui tươi. Hơn hết, phần trình diễn này còn thể hiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vào ngày đầu năm, âm dương hòa hợp, đất trời tràn ngập sức sống. Nhờ thế, ai ai cũng cảm nhận được sinh khí căng tràn, niềm vui đầy ắp.

4.3. Múa tam tinh

Phần này gồm 3 con lân trình diễn với nhau. Hình ảnh này tượng trưng cho 3 vị thần Phúc – Lộc – Thọ đang nhảy múa, vui chơi. Thông qua đó, nó thể hiện ước nguyện về một năm vẹn tròn về tiền tài, danh vọng lẫn sức khỏe.

ý nghĩa con lân ngày tết - múa tam tinh

Ba con lân đại diện cho ba vị thần Phúc – Lộc – Thọ

4.4. Tứ quý hưng long

Như tên gọi, phần trình diễn này gồm 4 con lân màu vàng, đen, đỏ và trắng (hoặc xanh). Con số 4 đại diện cho 4 phương (đông, tây, nam, bắc). Những điệu múa sôi động ẩn ý về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

4.5. Lân hái lộc

Màn trình diễn Lân hái lộc được xem là phần đặc sắc nhất trong suốt buổi biểu diễn. Con lân sẽ leo lên cột tre cao có gắn lộc ở trên. Tiết mục đặc sắc này đòi hỏi độ khó cực kỳ cao. Không những thế, người biểu diễn lân cũng phải hết sức can đảm khi trèo lên đoạn cây tương đối cao. Đồng thời, sự phối hợp ăn ý của tất cả thành viên đoàn lân sư rồng cũng rất quan trọng.

ý nghĩa hình ảnh con lân ngày tết - lân hái lộc

Tiết mục Lân hái lộc là phần được mong chờ nhất trong phần múa lân

Đổi lại, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng một màn trình diễn vô cùng công phu và ấn tượng. Qua đó, tiết mục gửi gắm thông điệp về năm mới vạn sự như ý, cát tường.

Vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa hình ảnh con lân ngày Tết cũng như tục múa lân vào năm mới. Thông qua hình tượng này, con người muốn gửi gắm ước mong về một năm sung túc, may mắn và bình an. Đây là khát vọng chân thành từ bao đời nay vào dịp tết đến xuân về. Hay Độc Lạ hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa trong ngày đầu năm của đất nước.

Comments

comments

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*