Mâm cơm cỗ cúng mùng 1 Tết cần chuẩn bị những gì để năm mới bình an?

ý nghĩa mâm cơm mùng 1 tết

Mùng 1 Tết là ngày đầu tiên của năm mới. Vào ngày này, nhiều gia đình luôn chuẩn bị bày biện mâm cúng vô cùng chu đáo. Thông qua đó, người ta gửi gắm ước nguyện về một năm thật bình an và sung túc. Mâm cơm mùng 1 Tết cần những gì và trang trí như thế nào? Mời các bạn cùng Hay Độc Lạ tìm hiểu nhé.

 

1. Ý NGHĨA CỦA NGÀY MÙNG 1 TẾT

Ngày mùng 1 Tết là ngày khởi đầu của một năm. Dân gian còn gọi ngày này là ngày Chính Đán. Lúc này, cả nhà cùng nhau tụ họp về để dâng nén hương thành kính đến tổ tiên. Sau đó, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ, còn trẻ nhỏ thì được mừng tuổi bằng một phong bao lì xì đỏ tươi. Có thể thấy, ngày mùng 1 Tết chính là khoảnh khắc gia đình quây quần cũng như thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên.

mâm cơm mùng 1 tết - ý nghĩa ngày mùng 1

Ngày đầu năm là thời điểm gia đình sum họp, quây quần bên nhau

Mặt khác, người xưa vẫn thường nói “đầu xuôi đuôi lọt”. Do thế, nếu ngày đầu năm suôn sẻ thì cả năm mọi việc đều hanh thông, thuận lợi. Bởi đó mà dân gian có tục xông đất và chọn hướng xuất hành để nhận nhiều may mắn. Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền rằng “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Vì lẽ đó mà ngày đầu năm cũng là dịp để con cái bày tỏ lòng hiếu thảo với người cha kính yêu.

2. Ý NGHĨA CỦA VIỆC CÚNG CƠM MÙNG 1 TẾT

Ngày mùng 1 Tết, việc đầu tiên và quan trọng không thể thiếu chính là cúng cơm. Mỗi nhà thường bày mâm cúng 2 lần vào sáng sớm (cúng Nguyên Đán) và chiều (Tịch Điện).

ý nghĩa mâm cơm mùng 1 tết

Mâm cơm ngày mùng 1 Tết thể hiện lòng thành kính của gia chủ với tổ tiên và thần linh

Mục đích của nó nằm ở thể lòng thành kính đối các vị thần linh đã phù hộ gia đình cũng như nhớ ơn tổ tiên, ông bà. Đồng thời, nhiều người còn tin rằng mâm cúng càng chỉn chu, hoành tráng càng mang đến một năm thật sung túc và tràn đầy hạnh phúc. Với ý nghĩa lớn lao như thế nên nhà nào cũng chuẩn bị lễ vật hết sức kỹ lưỡng.

3. MÂM CÚNG MÙNG 1 TẾT Ở 3 MIỀN

Trong phong tục của người Việt bao đời nay, mâm cỗ ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán bao gồm:

  • Mâm ngũ quả
  • Nhang, hoa, giấy tiền
  • Nến, đèn, trầu cau
  • Rượu, trà, bánh
  • Bánh chưng (hoặc bánh tét)

Tuy nhiên, một số món trên có thể được lược bớt hoặc bổ sung thêm tùy vào điều kiện của từng gia đình. Mặt khác, tùy theo văn hóa mỗi miền mà mâm cúng mùng 1 Tết cũng khác nhau ít nhiều.

3.1. Mâm cỗ Tết miền Bắc

Đa phần người dân ở miền Bắc kiêng sát sanh vào mùng 1 Tết. Vì thế, họ luôn hoàn tất việc chuẩn bị lễ vật trong ngày cúng mâm cơm mùng 30 Tết. Là vùng đất có bề dày văn hóa lâu đời nên mâm cúng ở đây cũng khá đa dạng và phong phú. Bên cạnh bánh chưng, còn có những món quen thuộc như nem rán, thịt đông, giò thủ, chân giò, dưa hành,…

mâm cơm mùng 1 tết - miền bắc

Giò thủ, bánh chưng, nem là những món không thể thiếu trên mâm cúng Tết ở miền Bắc

Về cách bày trí trên mâm cúng, đa phần các gia đình thường để 4 chén cùng 4 dĩa. Con số này tượng trưng cho tứ trụ, ý chỉ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Một số nhà còn cầu kỳ hơn khi bày trí đến 6 chén – 6 đĩa hay 8 chén – 8 đĩa.

3.2. Mâm cỗ Tết miền Trung

Ở khu vực miền Trung, bên cạnh món khô còn có thêm cả những món nước. Một số món ăn đặc trưng ở đây gồm heo quay, bò nấu thưng, thịt nạc rim, nem lụi,… Một vài gia đình còn chuẩn bị thêm thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm. Đương nhiên không thể thiếu bánh tráng đi kèm rau sống. Đồng thời, nhiều món trộn như mít trộn cũng góp mặt trên mâm cỗ cúng mùng 1.

mâm cơm mùng 1 tết miền trung

Mâm cơm cúng mùng 1 ở miền Trung không thể thiếu rau sống

Cuối cùng, phải có những tráng miệng vô cùng độc đáo. Tiêu biểu như bánh ngũ sắc, bánh in, bánh sen tán, bánh đậu xanh nhuộm màu, bánh phục linh,…

3.3. Mâm cỗ Tết miền Nam

So với miền Trung và miền Bắc, mâm cúng mùng 1 của miền Nam có phần đơn giản hơn rất nhiều. Đồng thời, cách bày trí cũng rất đa dạng, không bị gò bó theo quy tắc nào. Điều này cho thấy tính thoáng mở đặc trưng trong văn hóa ở vùng này.

mâm cơm mùng 1 tết - miền nam

Mâm cơm cúng mùng 1 ở miền Nam thường có canh khổ qua, bánh tét, thịt kho hột vịt

Tùy vào điều kiện mà từng gia đình sẽ chuẩn bị những món ăn khác nhau. Dù vậy, không thể thiếu hai món ăn đặc trưng gồm thịt kho hột vịt và canh khổ qua. Một điểm khác so với 2 miền còn lại là người miền Nam thường gói bánh tét thay vì bánh chưng.

3.4. Mâm cỗ chay cúng mùng 1

Không ít gia đình Việt Nam theo Phật giáo. Theo đó, vào ngày mùng 1, người ta luôn hạn chế sát sanh. Vì thế, họ thường chuẩn bị mâm cúng chay thay cho mâm cúng đồ mặn. Đồng thời, nguyên liệu cũng như cách chế biến đồ chay cũng đơn giản và ít tốn kém hơn rất nhiều. Một số món ăn chay phổ biến bao gồm rau xào, đậu phụ, xôi, canh nấm,…

mâm cơm mùng 1 tết chay

Vì quan niệm không sát sanh ngày đầu năm nên nhiều nhà thường bày mâm cúng chay

4. BÀI VĂN KHẤN CÚNG MÙNG 1 TẾT

Sau khi chuẩn bị và bày trí mâm cỗ đâu vào đấy, đích thân gia chủ hoặc người lớn tuổi nhất nhà sẽ tiến hành lễ cúng. Trong đó, không thể thiếu phần đọc văn khấn thần linh và tổ tiên. Bằng tất cả lòng thành kính, người chủ lễ mong muốn gửi gắm những mong ước tốt đẹp cho một năm mới bình an. Dưới đây là mẫu văn khấn để bạn tham khảo:

4.1. Văn khấn tổ tiên ngày mùng 1 Tết

Nội dung văn khấn được trích trong sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam do NXB Văn hóa Thông tin phát hành.

văn khấn cúng mâm cơm mùng 1 tết

Sau khi bày mâm cơm lên bàn thờ, gia chủ bắt đầu thắp nhang và đọc văn khấn

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)

Kính lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương (1 lạy)

Kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật (1 lạy)

Kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, đường thượng tiên linh, các hương hồn nội tộc, ngoại tộc họ…..

Gia chủ chúng con tên là….. địa chỉ nhà tại…..

Nay theo tuế luật, âm dương vận hành tuần Nguyên Đán, đầu xuân năm mới, con thành kính tưởng nhớ công đức của Tổ tiên như trời cao biển rộng. Nhân ngày mùng 1 tháng Giêng năm….. con cùng toàn thế con cháu trong gia đình sắm sửa lễ vật, hương hoa cùng thắp nén hương thơm dâng lên trước án.

Con kính mời các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, cô dì tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại. 

Cúi xin các vị rủ lòng thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, phù hộ con cháu, năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông, bốn mùa không nạn nào xâm hại, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.

Chúng con đồng tâm kính mời hết thảy các vị vong linh, tiền chủ, hậu chủ ở đất này cùng về hâm hưởng, phù hộ mọi việc được như ý, cát tường.

Chúng con lễ ít tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám, độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)

4.2. Văn khấn thần linh ngày mùng 1 Tết

Cũng theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam, nội dung bài văn khấn thần linh như sau:

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)

Kính lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương (1 lạy)

Kính lạy Phật Trời, Hoàng Thiên Hậu Thổ (1 lạy)

Kính lạy Chư vị Tôn Thần (1 lạy)

Hôm nay mùng 1 Tháng Giêng, nhằm ngày Tết Nguyên Đán đầu năm, trừ giải gió đông lạnh lẽo, hung ác tiêu tan, mưa móc thấm nhuần, muôn vật sinh trưởng đổi mới.

Gia chủ chúng con tên là….. địa chỉ nhà tại…..

Nhân ngày đầu năm mới, chúng con sắm sửa hương hoa, lễ vật bày lên trước án, thành kính dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần. Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám cho lòng thành. Kính mong phù hộ gia đình chúng con sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng. 

Kính mong Đương Cảnh Thành Hoàng, đội đức tôn thần bản xứ, phù hộ gia đình năm mới tấn tài tấn lộc, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi. Đầu năm, giữa năm, cuối năm, mọi sự hanh thông, mọi việc như ý cát tường.

Chúng con lễ ít tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin chứng giám, độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)

5. LƯU Ý KHI BÀY TRÍ MÂM LỄ CÚNG MÙNG 1 TẾT NGUYÊN ĐÁN

Để mâm cúng mùng 1 Tết chu đáo và thành kính nhất, gia chủ cần lưu ý một số điều sau:

  • Bày biện mâm cúng vào sáng sớm mùng 1 tết.
  • Đặt mâm cúng cùng lễ vật ở vị trí trang nghiêm nhất nhà, thường là bàn thờ gia tiên.
  • Về cách bố trí các lễ vật, mâm ngũ quả ưu tiên đặt chính giữa và hướng về phía trước. Ở hai bên mâm ngũ quả là nhang và hoa tươi, phía sau để giấy tiền vàng mã. Còn phía trước để rượu, trà và trầu cau. Bánh tét để phía trước mâm ngũ quả ngay giữa bàn thờ.

lưu ý chuẩn bị mâm cơm mùng 1 tết

Mâm cơm mùng 1 càng chỉn chu càng thể hiện lòng thành của gia đình

  • Quan trọng hơn các lễ vật chính là tấm lòng thành kính của gia chủ. Bên cạnh đó, hãy giữ bàn thờ cũng như mâm cúng sạch sẽ, gọn gàng.
  • Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà có thể chuẩn bị lễ vật sao cho phù hợp nhất.

Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu những thông tin liên quan đến mâm cơm mùng 1 Tết Nguyên Đán. Tùy theo vùng miền hay hoàn cảnh gia đình mà lễ vật sẽ khác nhau đôi chút. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn nằm ở tấm lòng thành kính, cầu mong một năm thuận lợi và sung túc. Và đừng quên theo dõi Hay Độc Lạ để cập nhật thêm nhiều bài viết hấp dẫn về Tết cổ truyền bạn nhé.

Comments

comments

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*