Phong tục đưa rước ông bà tổ tiên ngày Tết – Vẻ đẹp văn hóa Việt

Tục lệ đưa rước ông bà ngày Tết - mâm cỗ hóa vàng mã

“Uống nước nhớ nguồn” vốn là truyền thống tốt đẹp từ lâu đời của người Việt Nam. Có thể nói, tục đưa rước ông bà ngày Tết chính là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng văn hóa đẹp và nhân văn của người Việt. Để có thể hiểu rõ hơn về tục lệ này, hãy cùng Hay độc lạ đi tìm hiểu nét đẹp phong tục từ xa xưa của người Việt qua bài viết dưới đây nhé!

1. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA TỤC ĐƯA RƯỚC ÔNG BÀ NGÀY TẾT

1.1. Nguồn gốc

Trong quan niệm dân gian, dù ông bà đã chết nhưng linh hồn vẫn còn sống để về phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát tài. “Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn”, vào những dịp lễ Tết, người Việt thường mời ông bà đến chung vui với mình. Đó là sợi dây vô hình nối liền giữa người đang sống và người đã khuất.

Đối với người Việt Nam, chữ “hiếu” được coi là một trong những phẩm chất cao quý nhất, là thước đo đức tính của con người. Và một trong những cách thể hiện trọn vẹn chữ hiếu đó chính là thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Tục đưa rước ông bà ngày Tết - Nguồn gốc

Thờ cúng ông bà được ví như sợi dây liên kết ông bà ở thế giời bên kia với con cháu 

Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình đối với những người đã có công lao sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo mình thành người. Đặc biệt vào những ngày Tết, đây là dịp gia đình sum họp và “báo cáo” với ông bà những việc làm của con cháu trong năm vừa qua. Cho nên, chúng ta phải rước ông bà về để “hưởng” những thành quả của con cháu trong năm vừa qua đã đạt được cũng như chung vui cùng gia đình những ngày đầu năm.

1.2. Ý nghĩa

Trong văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người Việt, phong tục cúng ông bà ngày Tết mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó đã gắn liền với truyền thống văn hoá cội nguồn của dân tộc Việt. Dù đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những nét văn hoá truyền thống ấy vẫn luôn được gìn giữ.

Phong tục thờ cúng ông bà ngày Tết mang ý nghĩa tưởng nhớ công lao sinh thành, nuôi dưỡng của ông bà tổ tiên. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở con cháu đời sau luôn ghi nhớ đến gốc gác, nguồn cội của tổ tiên.

ý nghĩa tục cúng đưa rước tổ tiên

Tục đưa rước ông bà để nhắc nhở con cháu phải luôn báo hiếu với tổ tiên

Cúng rước ông bà tổ tiên chính là nghi thức mời tổ tiên, ông bà, những người thân đã mất trong gia đình trở về sum họp, đón Xuân với con cháu. Đây là một nghi thức quan trọng và mang giá trị văn hóa rất lâu đời của người Việt Nam.

2. CÁCH CÚNG ÔNG BÀ NGÀY 30 TẾT

Cúng ông bà tổ tiên ngày 30 Tết không những là phong tục truyền thống mà còn là nét đẹp đặc sắc trong văn hoá của người Việt. Ý nghĩa của lễ cúng rước ông bà đó là bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng của con cháu đối với công ơn của ông bà, tổ tiên cũng như những người thân đã khuất trong gia đình. Theo truyền thống, nghi lễ này sẽ được gia chủ thực hiện vào ngày cuối cùng của năm.

2.1. Gợi ý một số cách cúng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết

Gia chủ có thể mời ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết với hai cách cúng được áp dụng phổ biến hiện nay. Theo đó, hai cách cúng trên cụ thể như sau:

  • Cách thứ nhất: Con cháu chỉ cần chuẩn bị mâm cơm mặn và dâng cúng bàn thờ tổ tiên vào khoảng trưa ngày 30 Tết. Khi cúng, gia chủ sẽ mời đích danh cũng như đúng tên tuổi của từng cụ về nhà cùng ăn Tết cổ truyền cùng con cháu.
  • Cách thứ hai: Vào chiều ngày 30 Tết, gia chủ cùng những người thân trong gia đình sẽ đến mộ tổ tiên, cùng nhau quét dọn, sửa sang. Rồi sau đó thắp nhang khấn vái để mời ông bà, tổ tiên về nhà đón năm mới đoàn tụ với gia đình.

Tục đưa rước ông bà ngày Tết - cách cúng

Tảo mộ ngày xuân để rước ông bà về sum họp ngày Tết cùng con cháu

Sau khi đã hoàn tất nghi thức cúng rước ông bà, tổ tiên về ăn tết xong, tất cả gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng ăn mâm cơm tất niên ấm cúng, sum vầy. Theo phong tục, trong suốt những ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên sẽ có sự hiện diện của ông bà, tổ tiên cùng đón Tết với con cháu. Vì vậy, gia chủ phải lưu ý luôn giữ cho hương không bị tàn, nến phải được đốt từ chiều ngày 30 Tết. Bên cạnh đó, gia chủ nên lưu ý chỉ thắp hương vòng hoặc hương sào để giữ không khí đầm ấm, vui tươi cho gia đình những ngày Tết.

2.2. Lưu ý khi tiến hành cúng ông bà, tổ tiên

  • Trước khi làm mâm cơm cúng rước ông bà, tổ tiên, gia chủ cần lên mộ phần dọn dẹp và thắp nhang cúng mời tổ tiên, ông bà cũng như những người đã khuất trong gia đình về nhà ăn Tết.
  • Khi bắt đầu thực hiện cúng rước ông bà tổ tiên, gia chủ nên lau dọn sạch sẽ nhà cửa đồng thời dọn dẹp bàn thờ một cách tươm tất nhất. Cùng với đó, người đại diện, trực tiếp làm lễ phải tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, quần áo kín đáo để thể hiện lòng tôn kính, trang trọng đối với các bậc trưởng bối.

cúng gia tiên ngày tết

Dùng nhang vòng để giữ bàn thờ luôn có “hương hỏa” cho ông bà

  • Khi kết thúc lễ cúng rước ông bà, tổ tiên, gia chủ lưu ý phải đốt cho hương cháy liên tục, không nên để hương tàn lụi. Nếu không thể thường xuyên canh chừng, thì gia chủ nên sử dụng loại hương có thời gian cháy lâu để đốt trên bàn thờ tổ tiên.
  • Không sử dụng hoa quả giả cũng như các món đồ ăn mua sẵn ngoài chợ để dâng hương cho ông bà, tổ tiên.

2.3. Mâm lễ cúng rước ông bà, tổ tiên ngày 30 Tết gồm những gì?

Vào ngày 30 tháng chạp, thường vào khoảng giữa trưa hay chiều tối, khi con nước lớn, người ta bày biện trên bàn thờ mâm cơm, mâm ngũ quả, hoa, các loại bánh mứt, trà, rượu. Có hai loại không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết là bánh chưng, bánh tét và cặp dưa hấu lớn, tròn (hoặc hoặc bưởi). Mâm cơm rước ông bà ngày Tết thường có các món sau: thịt kho hột vịt, canh khổ qua, gà luộc xé phay, cá hấp, đồ xào,… Tùy theo điều kiện cũng như khẩu vị của mỗi gia đình nên các món ăn sẽ khác nhau, nhưng nhất định phải có món gà luộc tréo chân.

Mâm ngũ quả được bày biện trên bàn thờ phải có đủ năm loại trái cây. Việc lựa chọn các loại trái cây cũng có sự khác biệt tùy theo mỗi vùng miền. Có nơi người ta sử dụng màu sắc để thể hiện sự may mắn của mình trong ngày Tết như: màu vàng – sung túc, màu xanh – sức sống mạnh mẽ, màu đỏ – may mắn. Có nơi thì sử dụng ý nghĩa tên gọi của các loại trái cây nhằm diễn tả ước muốn của mình trong ngày xuân như: quả hồng, quýt có ý nghĩa là thành đạt, phật thủ tượng trưng cho sự an lành của Phật che chở,…

Trang trí bàn thờ ông bà ngày Tết

Dưa hấu xanh tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, sức sống mãnh liệt

Ngoài ra, trong mâm lễ cúng rước ông bà, tổ tiên ngày 30 Tết cũng không thế thiếu những lễ vật như:

  • Vàng mã
  • Nến hoặc đèn dầu
  • Hoa tươi
  • Hoa quả tươi
  • Bài văn khấn cúng rước ông bà, tổ tiên 30 Tết

Sau khi mọi lễ vật chuẩn bị tươm tất, đầy đủ, chủ nhà hoặc người lớn nhất trong nhà bắt đầu làm lễ, dâng hương, khấn vái, rót rượu mời ông bà tổ tiên thông báo ngày hôm sau là Tết Nguyên đán, mời ông bà tổ tiên về chung vui với con cháu. Sau đó, tất cả mọi người trong nhà cùng khấn vái, cúng lạy tổ tiên. Đến khi nhang cúng đã cháy hết khoảng hai phần ba, gia chủ có thể bắt đầu nhập tiệc mừng năm mới cùng con cháu trong gia đình tiễn năm cũ đi.

3. CÁCH CÚNG ĐƯA ÔNG BÀ MÙNG 3 TẾT

Nếu như lễ cúng mời ông bà về ăn Tết được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ thì ngày mùng 3 hoặc mùng 4 sẽ là ngày làm mâm cỗ tiễn tổ tiên. Sau 3 ngày Tết rộn ràng, ông bà, tổ tiên đã cùng con cháu đón năm mới xong. Các gia đình lại tất bật sửa soạn chuẩn bị mâm cỗ cho ngày hóa vàng, đưa tiễn ông bà về lại âm trần. Mâm cỗ này là để bày tỏ lòng thành cảm ơn của mình đến với ông bà đã về chung vui ngày đầu năm cùng con cháu.

Tục đưa rước ông bà ngày Tết - mùng 3 Tết

Mâm cỗ đưa ông bà ngày Tết như lời cảm tạ tổ tiên đã về chung vui 3 ngày đầu năm cùng con cháu

Hoá vàng hay còn gọi là lễ tạ theo dân gian đây là một dạng dâng cúng vật chất lên thần linh. Bởi không thể sử dụng tiền thật để cúng, nên chúng ta phải cần đốt tiền vàng mã với những hình tròn, hình vuông tương tự như tiền. Theo quan niệm của người xưa, có lễ tạ thì tấm lòng thành của gia chủ mới được người dưới chứng giám, phù hộ cho gia đạo bình an, làm ăn phát đạt trong năm mới.

3.1. Lễ vật đưa ông bà gồm những gì?

Lễ vật đưa ông bà là một trong những nghi thức cần thiết nhằm bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đến ông bà và gia tiên. Tùy theo văn hóa từng miền và tín ngưỡng của mỗi gia đình mà việc chuẩn bị lễ vật cũng sẽ có sự khác nhau. Mặc dù vậy nhưng tất cả đều phải được chuẩn bị thật chu đáo, không được phép thiếu sót bất cứ điều gì. Theo phong tục truyền thống, lễ vật cần chuẩn bị bao gồm rượu trắng, trà, mâm ngũ quả, trầu cau, đèn nến, hương, vàng mã, bánh kẹo, trái cây. Thêm vào đó là mâm cỗ mặn hoặc chay tùy vào mỗi gia đình và hai cây mía.

3.2. Mâm cỗ hóa vàng ngày mùng 3 Tết gồm những gì?

Những mâm cỗ cúng trong ngày Tết thể hiện sự hiếu thảo, kính trọng của gia chủ đối với ông bà tổ tiên. Đồng thời, đây cũng cũng là một nét đẹp tinh hoa văn hóa của người Việt ta. Mâm cỗ hóa vàng ngày mùng 3 Tết sẽ là bữa ăn cuối cùng của ông bà trước khi về với lại thế giới bên kia. Vì vậy, nó cần có sự chuẩn bị thật chu đáo tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Tuy nhiên, mâm cỗ hóa vàng cơ bản lúc nào cũng phải đầy đủ “giò – nem – ninh – mọc” cùng bánh chưng xanh, gà luộc, xôi và hoa quả.

Tục đưa rước ông bà ngày Tết - mâm cỗ hóa vàng mã

Những mâm cỗ cúng trong ngày Tết thể hiện sự hiếu thảo, kính trọng của gia chủ đối với ông bà tổ tiên

  • Gà luộc: chính là món quan trọng nhất không thể thiếu trong mâm cỗ hóa vàng mùng 3 Tết. Gà được chọn dâng cúng thường sẽ là những con gà trống lớn, to khoẻ, có đôi chân rắn chắc và được xếp dáng gọn gàng, đẹp mắt. Con gà luộc được ngon, vàng sẽ là dấu hiệu cho một năm mới thuận lợi, gặt hái nhiều thành công và may mắn cho gia đình.
  • Bánh chưng, bánh tét: Một hình vuông, một hình tròn tượng trưng cho đất, trời, âm dương hòa hợp. Đây được coi như là một món quà được chắt chiu từ những gì tinh túy nhất kính dâng lên ông bà, tổ tiên.
  • Dưa hành: cặp bài trùng “bánh chưng xanh – dưa hành” từ lâu đã là truyền thống không thể tách rời với nhau. Bên cạnh đó, dùng dưa hành ăn kèm với bánh chưng, tét để tăng thêm vị ngon và không bị ngấy.
  • Canh măng nấu móng giò: từ xưa hình ảnh tre – măng đã cùng với người Việt đi qua biết bao năm tháng thăng trầm. Nó thể hiện cho ý chí kiên cường, đậm đà tình dân tộc. Nhìn tuy rất đơn giản nhưng nó đã chứa đựng cả một nền tinh hoa ẩm thực Việt Nam, khiến mâm cỗ đầu năm thêm phần trọn vẹn.

mâm cỗ cúng ông bà

Gà luộc sẽ là dấu hiệu cho một năm mới thuận lợi, gặt hái nhiều thành công và may mắn cho gia đình

  • Giò lụa: thể hiện cho sự buộc chặt tình anh em, tình đồng chí mãi keo sơn gắn bó.
  • Chả nem: món ăn này mang trong mình một ý nghĩa rất đặc biệt. Chúng tượng trưng cho che chở, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
  • Cá chép nấu bỗng: theo quan niệm dân gian xưa “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Vì vậy, nếu cúng thêm cá chép trong dịp đầu năm sẽ tăng thêm sự thịnh vượng, phát đạt tài lộc và sức khỏe dồi dào cho gia chủ.
  • Ngoài ra các bà nội trợ cũng có thể sáng tạo, chế biến thêm món gỏi, nộm, cuốn, các món ăn có tính thanh nhiệt, dễ tiêu hoá, cân bằng được lượng đạm từ thịt mỡ, bánh chưng.
  • Mâm ngũ quả đầy đủ cơ bản với cầu, dừa, đủ, xoài, sung. Chúng thể hiện sự kính cầu của gia chủ mong một năm mới đầy đủ, sung túc. Tuy nhiên, tùy theo nguyện vọng của gia chủ mà có thể đặt những loại khác. Khi chọn mâm ngũ quả, phải lựa những trái thật tươi, không dập nát và đặc biệt không được đem đồ giả lên cúng.
  • Hoa tươi: nên chọn mua cát tường để đem lại sự thịnh vượng, an khang cho gia đình. Tránh cúng những loại hoa có gai như hoa hồng và ly, vì nó có tên biểu tượng cho sự chia ly.
  • Nhang, nến, đèn: những lễ vật này để duy trì “hương hỏa” cho ông bà có thể ở lại trong gia đình của chúng ta.

bánh chưng cúng đưa ông bà

“Bánh chưng xanh – dưa hành” sẽ là cặp bài trùng không thể nào thiếu trong mâm cỗ ngày Tết

  • Đồ hóa vàng mã: tiền, vàng, giấy cúng là những lễ vậy không thể thiếu trong mâm cỗ hóa vàng ngày mùng 3 Tết. Gia đình nào có điều kiện thì có thể mua sắm thêm xe hơi, nhà lầu hay iphone, ipad, tivi, máy giặt, tủ lạnh với mong muốn ông bà bên kia được sống sung túc hơn. Tuy nhiên chỉ sắm đủ dùng không nên mua quá nhiều tránh gây ảnh hưởng đến môi trường.
  • Hai cây mía: theo tục xưa thì hai cây mía này sẽ là phương tiện gánh những thứ con cháu đốt cho người thân về cõi âm và đồng thời còn có tác dụng xua đuổi quỷ dữ.
  • Cùng với đó là rượu, trà, trầu cau, thuốc lá, bánh kẹo ngọt.

Ngoài ra, gia chủ cần chuẩn bị thêm bài cúng hóa vàng hết tết, văn khấn cúng hóa vàng khi hết tết thật kỹ lưỡng và chu đáo. Trong lúc cúng hóa vàng hết tết, gia chủ phải đọc đầy đủ bài cúng được ghi trong tờ sớ khấn một cách thật tâm nhất.

3.3. Trình tự hóa vàng ngày mùng 3 Tết

Lễ cúng hóa vàng là lễ cúng vô cùng quan trọng, lễ cúng này để kết thúc 3 ngày lễ Tết, bắt đầu bước vào những ngày làm việc bình thường mới. Chính vì vậy, gia chủ khi cúng nên thực hiện theo trình tự dưới đây:

  • Sau khi cúng xong, đợi các nén hương tàn hết, gia chủ sẽ tạ lễ và mang tiền vàng đi hoá. Phần tiền vàng dâng lên thần linh phải đem hoá trước, phần cho tổ tiên thì được hoá sau cùng. Khi hoá tiền vàng, nên lựa chọn một góc sân sạch hoặc hoá bên trong một chiếc lư.
  • Đối với phần tiền vàng hoá cho ông bà, phải phân hóa cho người đã khuất lâu và mới mất riêng biệt.
  • Trong khi hoá vàng mã nên thực hiện cẩn thận từng ít một, không dùng cây gậy để chọc vào các món đồ vàng mã. Bởi vì làm như vậy sẽ bị rách, hư hỏng, ông bà sẽ không sử dụng chúng được.

Tục đưa rước ông bà ngày Tết - hóa vàng mã

Sau khi hóa vàng mã xong, nhớ vẩy vào một ít nước để tránh sự cố hỏa hoạn xảy ra

  • Quý gia chủ phải hóa vàng từ từ để vàng mã cháy hoàn toàn. Khi việc hóa vàng mã đã hoàn tất, bạn nên vẩy ít nước nhẹ lên tro nhằm hạn chế bị bay tro. Cũng như để ngọn lửa được tắt nhanh chóng và hoàn toàn, tránh nguy cơ hỏa hoạn hay cháy nổ.
  • Sau khi kết thúc tất cả các bước hóa vàng mã, gia chủ hãy cúi lạy 3 vái, xin thần linh – gia tiên phù hộ cho con cháu trong nhà được bình an vô sự và làm ăn phát đạt. Trong việc cúng khấn hóa vàng, bạn phải thật sự thành tâm để ông bà chứng giám và phù hộ độ trì.

Trên là những thông tin đầy đủ nhất về tục lệ đưa rước ông bà ngày Tết mà chúng mình đã giúp bạn tổng hợp. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn có thể chuẩn bị những mâm lễ cho ngày đầu năm chu đáo nhất. Tết Giáp Thìn đã đến gần, hãy theo dõi Hay độc lạ để cập nhật đầy đủ nhất về các tục lệ của ngày đầu năm để đón một năm mới thật trọn vẹn nhé!

Comments

comments

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*