Khám phá phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - ảnh bìa

Tết âm lịch, hay còn gọi là “Quá niên”, là ngày lễ trọng đại nhất trong văn hóa Trung Hoa kéo dài hàng nghìn năm. Đây là thời điểm quan trọng đánh dấu sự kết thúc một năm cũ và đón chào một năm mới. Cùng với đó, gia đình thực hiện những nghi lễ truyền thống đặc sắc và sum họp với người thân. Hãy cùng Hay Độc Lạ tìm hiểu sâu hơn về phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn nhé!

1. NGƯỜI HOA CHUẨN BỊ GÌ CHO NGÀY TẾT?

Người Hoa chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ngày Tết bằng việc mua sắm nhiều loại đồ dùng khác nhau. Họ không chỉ tập trung vào việc dọn dẹp nhà cửa mà còn mua sắm các đặc sản, nguyên liệu cho các món ăn truyền thống. Bên cạnh đó, các gia đình người Hoa còn chuẩn bị thêm các loại trái cây để bữa ăn đầy đủ hơn vào dịp cuối năm.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Chuẩn bị đồ cho ngày TếtNgười Hoa chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ngày Tết (Nguồn: ST)

Hoa mai, cành quất là những loại cây trang trí không thể thiếu. Đèn lồng cũng được mua để trang trí không gian nhà cửa, tạo nên bầu không khí lễ hội rực rỡ. Đồng thời, quần áo mới cũng là một phần quan trọng, thể hiện sự tươi mới và may mắn cho năm mới. 

Không chỉ mua sắm cho bản thân, người Hoa còn chuẩn bị quà tặng và phong bao lì xì để dành tặng cho người thân, bạn bè như một dịp đầy ý nghĩa và lễ hội. Tất cả những điều này thể hiện sự chuẩn bị cẩn thận và hy vọng vào một năm mới an lành, giàu có và may mắn.

2. NHỮNG NGÀY TRƯỚC TẾT

Người Hoa quan niệm rằng việc dọn dẹp nhà cửa sẽ giúp xua đuổi những điều cũ kỹ, chuẩn bị cho một khởi đầu mới (trừ trần bố tân). Chính vì vậy, khi bước sang tháng Chạp, mọi người thường lựa chọn ngày tốt để quét dọn nhà cửa. 

Trong quá trình lau dọn, các gia đình sẽ dọn dẹp mọi ngóc ngách trong nhà, từ trong ra ngoài, không để sót bất kỳ một chỗ nào. Họ cũng quét dọn sạch sẽ sân vườn, cổng ngõ,… để đón chào năm mới. Người Hoa cũng thường sử dụng các loại nước lau nhà có mùi hương thơm tho, dễ chịu và đốt hương trầm để xua đuổi tà khí.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Lau dọn nhà cửaKhi bước sang tháng Chạp, mọi người thường lựa chọn ngày tốt để quét dọn nhà cửa (Nguồn: ST)

Lau dọn nhà cửa mang ý nghĩa về mặt tâm linh, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của gia chủ đối với ngôi nhà. Vào dịp này, các thành viên trong gia đình cũng có cơ hội được quây quần, giúp đỡ nhau dọn dẹp. Mọi người làm việc cùng nhau tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm trong dịp Tết.

Đến ngày 24 tháng Chạp, người Hoa sẽ tiến hành làm lễ cúng đưa ông Táo về trời. Khác với phong tục người Việt là cúng ông Táo vào ngày 23, người Hoa quan niệm ngày 25 là ngày ông Táo báo cáo công việc với Ngọc Hoàng. Do đó, mọi người cần cúng trước một hôm là ngày 24 tháng Chạp. 

Mâm lễ cúng của người gốc Hoa thường không thể thiếu các vật phẩm như bộ đồ Táo quân, bánh tổ, mứt, kẹo tròn, giấy tiền vàng mã, mía và quýt. Theo truyền thống, cây mía được coi là biểu tượng của sự thăng tiến, với những đốt trên thân mía thể hiện những bậc thang khi ông Táo leo lên trời. Bên cạnh đó, vợ chồng ông Táo khi đi dọc đường có khát nước lấy mía ra ăn cho ngọt giọng vui vẻ sẽ không nói điều bậy bạ.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Cúng đưa Thần TàiĐến ngày 24 tháng Chạp, người Hoa sẽ tiến hành làm lễ cúng đưa ông Táo về trời (Nguồn: ST)

Ngoài kẹo thèo lèo với mứt, bánh tổ là lễ vật không thể thiếu khi cúng ông Táo cũng như dịp năm mới. Người Hoa hay gọi là bánh Niên Cao, theo âm tiếng Hoa là “Nian Gao”. Bánh tượng trưng cho việc nâng cao bản thân trong mỗi năm mới, có nhiều điều tốt đẹp hơn năm cũ. Cuối cùng đó là quýt, từ “quýt” đồng âm với “cát” (cát tường = may mắn). Người Hoa mong rằng ông Táo sẽ phù hộ bằng những lời tốt lành, mang lại may mắn cho gia đình.

3. ĐÓN GIAO THỪA

Người Hoa dán các câu đối liễn ở trong nhà. Đến ngày 30 Tết, mọi người thay câu đối mới, thường là giấy đỏ và chữ vàng. Nội dung của các câu đối mang những thông điệp cát tường như: Xuất nhập bình an, Tân xuân đại cát, Kim ngọc đầy đường,… Đối với gia đình kinh doanh, buôn bán, nội dung câu đối thường là Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long,… Ngoài ra, người Hoa còn dán ngược hai chữ “Xuân” và “Phúc” trên cửa, ngụ ý “Xuân đáo” và “Phúc đáo”, có nghĩa là Xuân đang đến, Phúc đang đến.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Câu đối liễnNgười Hoa dán các câu đối liễn ở trong nhà (Nguồn: ST)

“Hạp gia hoan tụ” (cả nhà đoàn tụ) là nội dung quan trọng nhất của Tết, cũng là quan niệm truyền thống ăn sâu trong tâm người Hoa. Bữa cơm đêm giao thừa thường là khoảnh khắc náo nhiệt và thú vị nhất đối với mọi thành viên trong gia đình. Bàn ăn tràn ngập đủ loại món ngon, đẹp mắt, tạo nên không khí phấn khích. Gia đình và người thân quây quần bên nhau một cách ấm cúng.

Vào khoảnh khắc giao thừa lúc 12 giờ đêm, những người lớn vội vàng chuẩn bị các loại đồ Tết. Trong văn hóa Việt Nam, mâm ngũ quả gồm có “cầu, sung, dừa, đủ, xoài”. Còn trong văn hóa người Hoa có quýt, bánh bao, và bánh Tổ. Tất cả đều mang ý nghĩa là sự ước mong cho năm mới, hy vọng gia chủ được may mắn, phát tài hơn năm cũ.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Bánh Tổ truyền thốngBánh tổ là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết (Nguồn: ST)

Sự tích về đón giao thừa rất thú vị, trong truyền thuyết cổ đại, có một sinh vật kỳ bí được gọi là “Niên thú”. Đúng vào đêm cuối năm, nó xuất hiện và săn lùng người để ăn thịt, khiến dân làng phải tránh xa và không dám ngủ. May mắn thay, thần linh đã xuất hiện và giúp đỡ. Người ta phát hiện ra rằng “Niên thú” sợ tiếng nổ, ánh lửa, và màu đỏ. Vì vậy, mọi người bắt đầu dán câu đối màu đỏ, treo lên ánh đèn sáng rực rỡ, và đốt cây trúc để khiến “Niên thú” bỏ chạy. Câu chuyện cũng được xem là nguồn gốc của việc đốt pháo trong dịp giao thừa.

4. MÙNG MỘT TẾT

Mùng 1 được coi trọng với hoạt động thờ cúng mời thánh thần và tổ tiên về nhà để ăn Tết cùng con cháu. Nhiều gia đình có truyền thống kiêng ăn thịt vì tin rằng việc đó sẽ mang lại cuộc sống trường thọ và hạnh phúc cho mọi thành viên. 

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Món thịt khoNgười Hoa, cả gốc Quảng lẫn Triều Châu, mọi người lại kiêng trứng trong món thịt kho (Nguồn: ST)

Tuy nhiên, Trung Quốc là một đất nước có nền văn hóa phong phú, thì quan niệm trên cũng có nhiều điều khác biệt. Người Hoa gốc Quảng Đông tránh ăn thịt vịt và ngỗng vì tin rằng có thể làm chậm tiến bộ trong công việc. Ngược lại, người Hoa gốc Triều Châu ưa thích thịt vịt ram khô nguội cùng với nước luộc từ thịt để chế biến xôi. 

Riêng về món thịt kho, người Việt Nam thường kho thịt với trứng. Nhưng người Hoa, cả gốc Quảng lẫn Triều Châu, mọi người lại kiêng trứng trong món thịt kho. Họ cho rằng hình dạng trứng giống số không tượng trưng cho sự xui xẻo, không phát đạt.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Bao lì xì đỏNgười Hoa có tục lì xì phong bao màu đỏ cho trẻ nhỏ để lấy hên, lấy lộc đầu năm (Nguồn: ST)

Buổi sáng mùng 1 là thời điểm gia đình tập trung đông đủ để chúc mừng năm mới, mừng tuổi mới. Trẻ nhỏ mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Người lớn chúc tuổi cho con cháu mau lớn, học hành giỏi giang. Ngày tết, người Hoa có tục lì xì phong bao màu đỏ cho trẻ nhỏ để lấy hên, lấy lộc đầu năm. Không những thế, hành động này còn thể hiện lòng tri ân và sự chúc phúc cho nhau trong năm mới.

5. MÙNG HAI TẾT

Sang mùng 2 Tết, các con dâu, rể đến thăm và chúc tết ông bà, cha mẹ. Ngày này, mọi người chúc tết nhau bằng những câu chúc phổ biến như “Cung hỷ phát tài”, thể hiện cho một năm mới đầy may mắn, thịnh vượng. Mùng 2 thường tập trung vào phong tục “Khai Niên”.

Người Hoa cúng mặn với lễ vật là gà luộc, rau cải trắng phơi khô xào thịt heo. Các món ăn này được chuẩn bị từ sáng sớm bởi đôi bàn tay của người phụ nữ trong gia đình. Bên cạnh đó, phong tục này còn  nhằm mang theo ý nghĩa may mắn, tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc.

6. MÙNG BA TẾT

Theo tín ngưỡng, mùng 3 Tết được coi là “Xích Khẩu” – không lý tưởng khi thăm viếng bạn bè vì có thể dễ dẫn đến tranh luận, cãi vã. Người dân thường ưu tiên ở nhà cúng tế tổ tiên, tập trung vào các nghi lễ linh thiêng và tôn kính ông bà. 

Ngoài ra, mùng 3 còn được gắn liền với tín ngưỡng về chuột cử hành hôn lễ. Có nhiều quan niệm khác nhau về thời gian của đám cưới chuột, nhìn chung xảy ra trong khoảng thời gian từ 23 tháng chạp đến mùng 3. Khoảng thời gian này dưới địa giới được xem là lâm vào tình trạng “vô thần”, tức không có thần linh cai quản.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Đám cưới chuột Mùng 3 còn được gắn liền với tín ngưỡng về chuột cử hành hôn lễ (Nguồn: ST)

Chuột trong dân gian Trung Quốc và quan niệm của người Hoa là một loài vừa đáng ghét vừa đáng quý. Xuất phát từ hai luồng quan niệm khác nhau, sự phá hoại của loài chuột ảnh hưởng đến nền kinh tế dựa vào nông nghiệp. Do đó, mọi người có tâm lý vừa căm ghét vừa e sợ. 

Ngược lại, một số khác lại quan niệm rằng nhà nào kho đụn đầy đủ thì chuột mới ghé thăm, nên chuột được coi là thần Tài. Chính vì thế, mọi người không được phép giã, mài hay gây tiếng động. Những việc đó sẽ làm kinh động đến chuột khiến chúng quay ra phá hoại. Hơn nữa, các nhà đều rắc bánh và hoa giấy ở những chỗ tối, tục gọi là “thiêm tương”.

Tuy nhiên, thực tế ngày nay đã có nhiều sự thay đổi trong nền kinh tế cũng như quan niệm tín ngưỡng của những thế hệ sau. Nhiều người không còn chú trọng đến những tín ngưỡng này nữa. Mọi người dùng Mùng 3 Tết làm dịp để du xuân, thăm viếng bạn bè, tận hưởng không khí lễ hội và giao lưu với người thân yêu. Bản chất của ngày này đã thay đổi, từ việc tôn kính linh thiêng đến trở thành thời điểm đẹp để kết nối và tận hưởng niềm vui.

7. MÙNG BỐN TẾT

Mùng 4 Tết là ngày đặc biệt được xem trọng. Ngày này là thời điểm chào đón các vị thần linh từ thiên đình chầu Ngọc hoàng về trần gian. Vì lẽ đó, các gia đình người Hoa thường chuẩn bị cúng hương, cúng bánh trái để chào đón các vị thần trở về che chở, bảo vệ. Hành động này thể hiện lòng thành kính và tôn trọng đối với các vị thần linh, hy vọng được nhận được sự bảo hộ và phúc lành cho cả năm mới.

Với quan niệm mùng 5 chính là sinh nhật của Thần Tài. Vì thế từ mùng 4 Tết, mọi nhà đã bắt đầu chuẩn bị đón Thần. Nếu trong ngày này gia chủ không ở nhà để chờ đón Thần Tài, có thể gây mất mát về tài lộc và không ai phù hộ cho họ trong suốt năm. Ở nhiều nơi từ xưa đến nay có lưu truyền một câu nói rằng, “đưa Thần sớm, rước Thần trễ”. Từ quan niệm đó, người Hoa tin rằng việc rước Thần nên được thực hiện càng muộn càng tốt, tốt nhất là gần 12 giờ đêm.

8. MÙNG NĂM TẾT

Mùng 5 được biết đến với tên gọi “Phá ngũ” hoặc “Ngày thần tài”. “Phá ngũ” ám chỉ việc “phá” bỏ những điều kiêng kị của ngày Tết. Ngày này mở ra một không gian tự do hơn cho mọi người thư giãn, vui chơi mà không cần lo lắng về những quy định cấm kỵ truyền thống. 

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Ngày thần tàiMùng 5 cũng được xem là ngày đón chào “Thần Tài” theo truyền thuyết dân gian (Nguồn: ST)

Mùng 5 cũng được xem là ngày đón chào “Thần Tài” theo truyền thuyết dân gian. Người ta tin rằng, hôm nay là thời điểm “Ngũ lộ tài thần” xuất hiện, tượng trưng cho thần tài của năm mới từ 4 hướng và trung tâm. Năm vị tài thần bao gồm: Trung Bân Tài Thần Vương Hợi (Trung); Văn Tài Thần Tỷ Can (Đông), Phạm Lãi (Nam); Võ Tài Thần Quan Công (Tây) và Trương Công Minh (Bắc). Trong đó Võ Tài Thần Quan Công chính là nhân vật võ tướng Quan Vũ thời Tam quốc.

Tin ngưỡng cho rằng việc đón chào Thần Tài sẽ mang lại may mắn, sự sung túc và phát tài trong năm mới. Điều này làm nên sự quan trọng của ngày này, khi mọi người tập trung vào việc đón nhận những cơ hội và thành công trong năm mới.

9. MÙNG SÁU TẾT

Theo truyền thuyết, Nữ Oa là vị thần sáng tạo ra vạn vật. Bà đã tạo ra 6 loài động vật gồm gà, chó, lợn, dê, bò và ngựa trước khi tạo ra con người. Do đó, từ mùng 1 đến mùng 6 của năm mới được xem là ngày của 6 loài vật này. Mùng 6 được xem là ngày của Ngựa, gắn với câu tục ngữ “Mã đáo thành công”. Nhiều người đã chọn ngày này để khai trương, bắt đầu một năm mới kinh doanh phát đạt.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - Mã đáo thành côngMùng 6 được xem là ngày của Ngựa, gắn với câu tục ngữ “Mã đáo thành công” (Nguồn: ST)

Ngày này còn được gọi là ngày “Ấp Phì”, đánh dấu sự kết thúc của chuỗi ngày vui chơi đồng thời là ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Theo các điều cấm kỵ nên từ mùng 1 đến mùng 5, người dân thường không tiến hành việc dọn dẹp, dẫn đến sự tích tụ của bụi bặm. Do đó, đến ngày này, họ thường dành thời gian để quét dọn sạch sẽ mọi ngóc ngách.

Trong các bài ca dao dân gian ở Quảng Châu có nhắc đến những hình tượng “thần nghèo” hay Cùng Tử. Vì thế, người Hoa thường chọn ngày mùng 6 để tiến hành lễ “xua đuổi ma nghèo”. Phong tục này nhằm xóa bỏ những cái cũ để chào đón cái mới của người Hoa.

Trên đây là những thông tin hữu ích mà Hay Độc Lạ muốn gửi đến bạn về phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn. Hãy lưu bài viết để cập nhật thêm những kiến thức mới về sự đa dạng trong văn hoá các nước. Chúc mọi nhà có một ngày Tết tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Đừng quên theo dõi Hay Độc Lạ để cập nhật thông tin mới nhất nhé!

Comments

comments

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*